Kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sáng 1-1 - Ảnh: T.QUANG
Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết nguyên nhân ùn tắc trên cao tốc sáng 1-1 là do xảy ra hai vụ va chạm trên cầu Long Thành hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, đơn vị quản lý cao tốc và lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường giải quyết và phân luồng để tránh ùn tắc kéo dài. Đến trưa cùng ngày, giao thông trên cao tốc đã được thông thoáng.
Hình ảnh xe cộ va chạm dẫn đến vụ ùn tắc trên cao tốc vào sáng 1-1 - Ảnh: VEC E
Theo phản ảnh của các tài xế, vụ va chạm khiến cho xe cộ đi trên cao tốc ùn ứ nhiều giờ. Các tuyến đường dẫn vào cao tốc như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ... cũng xảy ra ùn ứ.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đã đầu tư giai đoạn 1, với quy mô 4 làn xe. Sau hơn 6 năm đưa vào khai thác, cao tốc này đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào các dịp lễ Tết.
Để giải quyết vấn đề quá tải, hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án mở rộng TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến vị trí giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai).
Đoạn cao tốc dài 24km nêu trên sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại).
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 12.969 tỉ đồng (566,8 triệu USD). Trong đó, dự kiến vay vốn ODA của JICA là 10.217,5 tỉ đồng (tương đương 446,6 triệu USD), còn vốn đối ứng trong nước gần 2.752 tỉ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến 2025).
TTO - Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề xuất dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).