Yên Bái chi 1.900 tỉ đồng làm tuyến đường kết nối qua di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Ảnh: NAM TRẤN
Sáng 1-1, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ khởi công tuyến đường kết nối liên vùng giữa các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tuyến đường này dài 69km nối quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Chế Chu Nha, huyện Mù Cang Chải (đi Lai Châu và Sơn La) với nút giao IC15 - cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Ông Trần Xuân Cường - giám đốc Ban quản lý xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái - cho hay, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường thảm bêtông nhựa rộng 6,5m. Dự kiến toàn bộ tuyến đường được thi công trong khoảng 35 tháng. Tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho hay đây là công trình giao thông nhóm A, mức đầu tư 1.900 tỉ đồng, cũng là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định đầu tư.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối thị trấn Mù Cang Chải, các xã Chế Chu Nha, Nậm Có và các xã vùng lõi của di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, các xã của huyện Văn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh Yên Bái đi Mù Cang Chải qua tuyến quốc lộ 32. Tuyến đường cũng là điều mong mỏi của người dân trong vùng từ rất nhiều năm nay.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham dự lễ khởi công tuyến đường kết nối liên vùng qua Mù Cang Chải sáng 1-1 - Ảnh: VŨ TUẤN
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phong trào hiến đất làm đường đã trở thành truyền thống của Yên Bái để bàn giao mặt bằng sớm cho đơn vị thi công. Nếu có mặt bằng sớm, tôi tin rằng công trình không phải thi công trong 35 tháng mà sẽ hoàn thành sớm hơn" - ông Tuấn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định Yên Bái xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, có tiềm năng rất lớn. Tiềm năng lớn nhất về du lịch của Yên Bái là cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy vậy, muốn phát triển kinh tế du lịch thì phải có hệ thống giao thông kết nối, nhất là với các tuyến cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch.
"Chúng tôi ưu tiên phát triển các tuyến đường kết nối về các vùng có tiềm năng du lịch, ví dụ huyện Mù Cang Chải, khu vực lòng hồ Thác Bà của huyện Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thung lũng Mường Lò... Tôi cho rằng khi hệ thống giao thông kết nối phát triển thuận lợi hơn thì đây chính là cơ hội rất tốt để Yên Bái cũng như các địa phương trong vùng thúc đẩy phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" - ông Duy nhấn mạnh.
Ông Duy chia sẻ Yên Bái có phong trào hiến đất, hiến cây trồng trên đất để phục vụ thi công mở rộng các tuyến đường. Thời gian qua, ở Yên Bái có nhiều công trình giao thông khởi công mà Nhà nước không tốn tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, người dân tự nguyện hiến đất, dịch rào, thu dọn cây cối.
"Chúng tôi linh hoạt trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Ví dụ trong trường hợp bà con tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để giải phóng mặt bằng... chúng tôi sẽ có các giải pháp linh hoạt để hỗ trợ bà con, ví dụ như chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tái định cư tại chỗ. Việc này tạo được sự đồng thuận rất lớn. Với cách làm này, các công trình giao thông trọng điểm của chúng tôi đều rút ngắn được thời gian so với kế hoạch ban đầu" - ông Duy chia sẻ.
Tối 31-12, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải và chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể.