Tối 20/1/1994, Trương Tại Ngọc cãi nhau to với chồng là Xà Tường Lâm, tức giận bỏ nhà đi, mãi không thấy về.
Ngọc và Lâm sống ở thôn Lữ Xung, huyện Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vài năm gần đây, tình cảm rạn nứt và thường xuyên cãi vã. Ngọc mắc bệnh tâm thần nhưng không phải do bẩm sinh. Khi phát bệnh, cô không thể nhớ mình là ai, không biết nhà ở đâu.
Theo lẽ thường, một phụ nữ trẻ không có phương tiện giao thông, chỉ qua lại giữa các thôn làng nhỏ thì không thể đi quá xa. Nhưng gia đình và hàng xóm tìm kiếm khắp nơi xung quanh không thấy Ngọc đâu. Họ báo cảnh sát nhờ hỗ trợ cũng không có kết quả.
Sau khi Ngọc mất tích ba tháng, sáng 11/4, một người dân phát hiện trên mặt ao bên đường có vật trôi nổi, tò mò lại gần xem thì đó là thi thể.
Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy xác chết là phụ nữ, tử vong hơn hai tháng trước. Người này cao 1,55 m, khoảng 30 tuổi và từng sinh con. Thi thể bị phân hủy không thể nhận ra, vì vậy không có cách nào xác định danh tính.
Do vùng đầu có nhiều vết thương, cảnh sát suy đoán đây rất có thể là vụ cố ý giết người, vứt xác. Cục Công an huyện Kinh Sơn phát hiện đặc điểm của thi thể và người mất tích Trương Tại Ngọc rất giống nhau. Ngọc 31 tuổi, có một con gái, chiều cao cũng là 1,55 m, biến mất cách đây ba tháng.
Cảnh sát liên hệ gia đình Ngọc đến nhận dạng. Vừa nhìn thấy thi thể, mẹ Ngọc lập tức quỳ trên mặt đất khóc lóc vật vã, xác định đây là con gái.
Trên thực tế, không thể xác minh danh tính qua khuôn mặt sưng phù, biến dạng. Vì vậy, có người đề nghị gia đình Ngọc đi xét nghiệm ADN cho chính xác. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm vào những năm 1990 rất đắt, lên tới 20.000 nhân dân tệ, gia đình nông thôn bình thường sao nỡ chi số tiền này. Bên cạnh đó, mẹ Ngọc khi biết trên bụng thi thể có vết sinh mổ lại càng chắc chắn nên quyết định không cần xét nghiệm.
Khi thi thể nạn nhân đã được xác nhận, cảnh sát lập tức triệu tập Xà Tường Lâm, 28 tuổi, để điều tra vì là người thân cận nhất.
Theo điều tra, Ngọc và Lâm kết hôn năm 1986, có con gái 6 tuổi. Lâm là nhân viên tuần tra an ninh tại đồn cảnh sát địa phương, còn Ngọc là công nhân tại một nhà máy gần đó. Cuộc sống gia đình bắt đầu mâu thuẫn từ ba năm trước khi Ngọc mất tích.
Vì công việc, Lâm thường xuyên không ở nhà. Không chịu được cô đơn, Lâm quan hệ với cô gái họ Trần. Họ nhiều lần bị bắt gặp qua đêm cùng nhau khiến chuyện ngoại tình vỡ lở, lan truyền khắp làng trên xóm dưới.
Sau sự việc, mối quan hệ vợ chồng Lâm xấu đi rất nhiều. Cả hai thường xuyên cãi vã, thậm chí còn đánh nhau, đập phá đồ đạc. Lâm mặc kệ vợ khóc lóc, cũng không quan tâm đến con gái nhỏ, tiêu sạch vài nghìn nhân dân tệ tích góp để bao nhân tình.
Trong mắt người cùng thôn, Ngọc vốn là cô gái vui vẻ, tháo vát, tính cách tốt. Nhưng sự phản bội của chồng đã kích thích tâm lý của Ngọc, chịu đựng cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài khiến cô trở nên điên điên khùng khùng. Khi phát bệnh, cô không được minh mẫn, dễ cáu bẳn, hay ngẩn ngơ. Khi bệnh nặng, Ngọc sẽ không nhớ rõ thứ gì, ngay cả tên tuổi, địa chỉ nhà mình cũng không nhớ. Lâm thường tỏ ra chán ghét người vợ mắc bệnh tâm thần.
Sau khi nắm được những thông tin này, cảnh sát nhận định Lâm là nghi phạm chính và bị tạm giữ hình sự.
Sau cuộc điều tra và thẩm vấn kéo dài 6 tháng, Lâm thừa nhận giết vợ. Động cơ gây án giống với phân tích của cảnh sát là chán ghét, muốn sát hại vợ để lấy nhân tình.
Ngày 13/10/1994, tòa án Kinh Châu tuyên Lâm phạm tội Cố ý giết người và tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, bố mẹ Lâm cho rằng Lâm bị ép phải nhận tội và kháng cáo lên tòa án cấp cao Hồ Bắc. Mẹ Lâm vừa đi tìm con dâu trong thôn, vừa in tờ rơi tìm người mất tích, muốn chứng minh rằng Ngọc chưa chết, con trai bị oan.
Đến cuối năm 1994, mẹ Lâm nghe ngóng được tin tức về Ngọc. Ở thôn Diêu Lĩnh, thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, có người dân nói vào tháng 10, một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần đến thôn, không mang tiền, cả người bẩn thỉu, chỉ nói mình họ Trương, không biết nhà ở đâu. Cô được một người tốt bụng cho ở nhờ và đã rời đi khi tình trạng tốt hơn. Hay tin, mẹ Lâm như bắt được cọng rơm cứu mạng, lập tức đi xin bí thư thôn Diêu Lĩnh viết giấy chứng minh, đóng dấu rồi vội vã nộp cho cảnh sát, nhưng mãi không thấy hồi âm.
Tờ giấy chứng minh được nộp lên tòa phúc thẩm cùng đơn kháng cáo, giúp bảo toàn tính mạng cho Lâm.
Ngày 6/1/1995, tòa án cấp cao Hồ Bắc cho rằng không đủ bằng chứng để kết tội Lâm và bác bỏ phán quyết ban đầu, yêu cầu xét xử lại.
Tháng 5/1995, do gia đình Lâm không chịu từ bỏ và liên tục hỏi thăm, kháng cáo nên cảnh sát đã buộc mẹ Lâm tội gây rối trật tự công cộng và cản trở công vụ, bỏ tù bà 9 tháng và phạt 3.000 nhân dân tệ. Thụ án xong, mẹ Lâm bị câm điếc, không thể đi lại và qua đời chỉ sau 3 tháng được thả.
Mất mẹ, gia đình không bỏ cuộc, vẫn đi khiếu kiện khắp nơi. Anh cả của Lâm cũng bị bắt giam 41 ngày vì kêu oan cho em
Mặt khác, gia đình Ngọc một mực cho rằng Lâm đã gây án, tập hợp hơn 220 người dân trong làng cùng đệ đơn yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội.
Ngày 15/6/1998, Lâm bị kết án 15 năm tù về tội Cố ý giết người.
Kể từ khi bố vào tù và mẹ "bị giết", con gái của cả hai là Xà Hoa Dung cũng chịu nhiều bất hạnh. Cô bé bị hàng xóm và bạn học đối xử lạnh nhạt, nhà không còn tiền đóng học. Cuối cùng, Hoa Dung phải bỏ học, dùng chứng minh thư giả đến Thâm Quyến làm thuê, mấy năm liền không về quê vì sợ bị chỉ trỏ, đàm tiếu.
11 năm trôi qua, khi mọi người đã dần lãng quên về sự việc thì người vợ bị Lâm "giết và vứt xác" bất ngờ trở về.
Ngày 28/3/2005, Ngọc đến đồn cảnh sát thị trấn Nhạn Môn Khẩu nói là vợ của Lâm, nhiều năm trước cô không chết mà đi lạc vì phát bệnh tâm thần.
Ngọc kể, sau khi cãi nhau với chồng tối 20/1/1994, cơn giận khiến phát bệnh tâm thần. Lúc tỉnh táo lại, cô phát hiện đã đi rất xa. Lúc này, trên người không có tiền bạc, không có chứng minh thư, trạng thái tâm lý lại không tốt, không nhớ nổi mình là ai, nhà ở đâu. Cô ăn xin dọc đường cho đến tận Sơn Đông. Tại đây, Ngọc gặp được một người đàn ông giúp đỡ cô rất nhiều, dần nảy sinh tình cảm và kết hôn, có một con trai.
Có cuộc sống hạnh phúc, bệnh tình của Ngọc từ từ thuyên giảm, nhưng phải mất nhiều năm sau cô mới nhớ ra nhà mình và viết thư gửi về. Tuy nhiên, thư của cô không nhận được hồi âm vì người nhà luôn tin rằng cô đã chết, coi bức thư như trò đùa.
Cho đến năm 2005, Ngọc hoàn toàn khỏe lại, khôi phục trí nhớ và cùng chồng con hiện tại về thăm quê. Điều Ngọc không ngờ được là sự mất tích năm đó của cô lại biến thành vụ "cố ý giết người".
Khi được thả tự do, Lâm còn chưa rõ nguyên nhân. Anh đã ngồi tù 11 năm, vì cải tạo tốt nên được giảm án 3 năm, còn hơn 4 tháng nữa mới được ra tù. Về đến nhà, Lâm mới vỡ lẽ.
Sau khi xác nhận Ngọc còn sống và làm rõ chân tướng, Lâm được tòa tuyên vô tội vào ngày 13/4/2005, được nhà nước bồi thường 700.000 nhân dân tệ.
Về thi thể trong ao, Công an huyện Kinh Sơn từng định mở quan tài để thu thập ADN nhưng mãi không thấy động tĩnh gì, cuối cùng sự việc bị khép lại một cách mơ hồ.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Baike)
Xem thêm: lmth.6760144-man-11-ov-teig-nao-ion-hnag/ten.sserpxenv