Theo thông tin CTCP Quốc Cường Gia Lai (MCK: QCG) công bố, doanh nghiệp này đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ tại CTCP Bến du thuyền Đà Nẵng (tương ứng cho tỉ lệ sở hữu 65% vốn điều lệ tại CTCP Bến du thuyền Đà Nẵng). Công ty Bến du thuyền Đà Nẵng có vốn điều lệ 290 tỷ đồng.
Ngày 31/12 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Theo đó, tờ trình phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chuyển đổi nợ để tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành gần 61,9 triệu cổ phiếu (chiếm 22,49% tổng số lượng cổ phiếu QCG đang lưu hành) với giá 11.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 2.751 tỷ đồng lên 3.370 tỷ đồng.
Lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng trước thời hạn này có thể bán lại cho Quốc Cường Gia Lai với giá 10.000 đồng/cp để làm cổ phiếu quỹ.
Với toàn bộ số vốn gần 681 tỷ đồng huy động được, công ty sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm nợ.
Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt 9.895 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm nay. Đáng chú ý, hàng tồn kho của công ty là 7.062 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả giảm 8% so với đầu năm về hơn 5.620 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là khoản phải trả ngắn hạn khác gần 4.339 tỷ đồng, riêng khoản tiền nhận từ Sunny cho dự án Phước Kiển là 2.882 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai cho biết đây là khoản tiền công ty nhận từ đối tác từ nhiều năm trước nhưng chưa thể triển khai dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) do các thủ tục pháp lý thay đổi. Hiện công ty đang yêu cầu Sunny hoàn trả toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đền bù nhận tại BIDV, toàn bộ hồ sơ đền bù đang nắm giữ.
Công ty còn hơn 472 tỷ đồng nợ vay tài chính, giảm 6% so với đầu năm. Phần lớn nợ vay chủ yếu dư nợ tại ngân hàng liên doanh Việt Nga và Vietcombank Gia Lai.
Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai mượn tiền từ các cá nhân, tổ chức liên quan hơn 840 tỷ đồng. Cụ thể, hai pháp nhân CTCP Bất động sản Hiệp Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia là các chủ nợ lớn nhất, lần lượt cho Quốc Cường Gia Lai mượn 423 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Hai công ty này là các doanh nghiệp liên kết của Quốc Cường Gia Lai.
Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai mượn 4 cá nhân gồm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan (117 tỷ đồng) cùng con gái Nguyễn Ngọc Huyền My (12 tỷ đồng), Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà (50 tỷ đồng) và con gái Lại Thị Hoàng Yến (86 tỷ đồng). Tổng cộng, QCG mượn các cá nhân này lên tới 265 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt gần 774 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 53 tỷ đồng lãi trước thuế.
Năm 2021, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 46% và 22% so với kết quả thực hiện ở năm ngoái. Như vậy, QCG đã thực hiện hơn 77% và 53% chỉ tiêu.