Nếu bạn chưa biết thì cứ 3 người đàn ông Nhật Bản thì có 2 người thích ngồi để đi tiểu hơn là đứng. Họ được gọi là những người "suwari-shon", một cách chơi chữ trong tiếng Nhật ghép từ "suwari" nghĩa là ngồi, còn "shonben" nghĩa là nước tiểu.
Những người đàn ông tiểu ngồi giải thích rằng thói quen của họ là văn minh hơn những người tiểu đứng (tachi-shon), bởi ngồi thì ít làm bắn nước tiểu ra ngoài hơn. Họ cũng thấy thư giãn hơn khi được ngồi, rảnh tay để sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh.
Nhưng còn một phần lý do đặc biệt mà các cuộc khảo sát trong hơn 20 năm trở lại đây cho thấy, nhiều người người đàn ông Nhật chỉ bắt đầu tiểu ngồi sau khi lấy vợ.
Ngày càng có nhiều người đàn ông Nhật Bản tiểu ngồi
Năm 1999, lần đầu tiên hãng điện tử Matsushita Electric Works, khi ấy còn chưa đổi tên thành Panasonic, đã thực hiện một cuộc khảo sát tại Nhật cho thấy chỉ có 15% nam giới nước này ngồi xuống khi đi tiểu.
Trong trường hợp bạn hỏi tại sao một hãng điện tử lại làm nghiên cứu này thì Panasonic cũng là một ông lớn trong ngành thiết bị nhà vệ sinh. Cho tới tận bây giờ, họ vẫn đều đặn thực hiện các nghiên cứu thói quen người tiêu dùng trong phòng tắm và thậm chí tài trợ cho cả các nghiên cứu y sinh về sức khỏe đường tiết niệu.
Năm 2004, Panasonic tiếp tục thực hiện lại cuộc khảo sát của họ và thấy đã có 30% đàn ông Nhật Bản tiểu ngồi. Đó là một dấu hiệu tốt để bắt đầu tung ra các sản phẩm bồn cầu tích hợp chức năng sưởi và cảm biến.
Nhưng đến năm 2007, Panasonic muốn đào sâu hơn vào nguyên nhân tại sao đàn ông Nhật Bản ngày càng tiểu ngồi nhiều hơn. Họ làm điều này bằng cách khảo sát 518 cặp vợ chồng trong độ tuổi từ 30-50.
Kết quả cho thấy đã có tới 49% những ông chồng trong nhóm này tiểu ngồi. Lý do được đưa ra là vì họ bị vợ phàn nàn về khả năng "đứng nhắm trúng đích" kém của mình. Những người phụ nữ thường là những người phải dọn nhà vệ sinh, do đó, họ yêu cầu chồng của mình ngồi xuống để tránh nước tiểu vương vãi ra sàn.
Trong năm đại dịch 2020, Panasonic một lần nữa thực hiện lại khảo sát thú vị của họ. Lần này, số lượng đàn ông tiểu ngồi đã tăng lên tới 70%, một con số kỷ lục.
Theo các cuộc phỏng vấn với 155 người đàn ông Nhật thì lý do họ chọn tiểu ngồi vì đại dịch khiến họ phải ở nhà nhiều hơn, đặc biệt là với vợ mình, người hay nhắc nhở và kèm cặp họ về thói quen đi tiểu.
Bạn nghĩ mình "nhắm trúng đích", nhưng đây là thực tế xảy ra
Những gì mà Panasonic phát hiện từ các khảo sát của mình trùng khớp với một khảo sát mới được thực hiện hồi tháng 10 bởi nhà sản xuất đồ vệ sinh cá nhân Nhật Bản Lion Corp. Theo đó, họ đã phỏng vấn 1.500 nam giới trong độ tuổi 20-60 và phát hiện có 60,9% nam giới thích ngồi tiểu hơn đứng tiểu.
Có 25,7% người được hỏi nói rằng họ đã thay đổi thói quen từ tiểu đứng sang tiểu ngồi vì nghĩ đến những người khác như vợ mình phải dọn dẹp nhà vệ sinh. 19,3% bắt đầu tiểu ngồi vì chính họ là người phải dọn dẹp.
Điều thú vị là thói quen tiểu ngồi cũng đang được giáo dục cho nam giới ở Nhật Bản. Cụ thể, 11,9% nam giới nói rằng họ đã được dạy ngồi đi tiểu từ khi còn nhỏ bởi bố mẹ và các video giáo dục. Ngược lại, có 2,7% nam giới ở độ tuổi 60 bây giờ cũng tiểu ngồi.
Tomoyuki Isowa, một chủ doanh nghiệp 53 tuổi ở tỉnh Aichi, Nhật Bản cho biết ông học được thói quen tiểu ngồi từ con trai mình, sau một lần tới thăm nhà anh ấy và người con trai nhắc nhở người cha nên ngồi xuống khi đi tiểu.
"Từ đó tôi cũng nghĩ đến vợ mình, người luôn phải làm công việc dọn dẹp. Và tôi học được rằng ngồi xuống trong khi thả lỏng bản thân cho phép tôi thư giãn hơn khi đứng", ông Isowa chia sẻ.
Những sticker khuyến cáo đàn ông nên ngồi khi đi tiểu tại Nhật Bản.
Tiểu ngồi tốt cho sức khỏe nam giới
Thực tế này đã được một số nhà tiết niệu học khẳng định. Họ cho biết trong tư thế ngồi, đường tiết niệu của cả nữ giới và nam giới đều được đặt vào một vị trí có cấu trúc niệu động học thuận lợi hơn.
Điều này giúp đẩy nước tiểu và cặn bã trong bàng quang ra một cách hiệu quả, ít bị tồn đọng so với tư thế tiểu đứng ở nam giới. Khối lượng, tốc độ dòng nước tiểu tối đa, một chỉ số đại diện cho sức khỏe đường tiết niệu của nam giới tăng lên khi họ tiểu ngồi, trong khi thời gian làm rỗng bàng quang của họ giảm xuống.
Năm 2014, một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan cho thấy tiểu ngồi là một thói quen tốt cho cả đường tiết niệu lẫn tuyến tiền liệt của đàn ông, vì tư thế này giúp họ thư giãn các cơ vòm chậu và cơ vòng tốt hơn và giảm được áp lực đặt lên cơ quan của mình.
Ngược lại khi đứng, những người đàn ông sẽ phải kích hoạt các cơ xung quanh bụng dưới, xương chậu và cột sống của họ. Những cơ này đều ngăn cản nước tiểu chảy ra, và kết quả là họ sẽ ra khỏi nhà vệ sinh mà vẫn giữ lại một lượng nước tiểu dư thừa và cặn bã trong bàng quang của mình.
Giáo sư Jamin Brahmbhatt đồng thời là một bác sĩ tiết niệu tại Đại học Y khoa Central Florida cho biết thói quen tiểu ngồi đặc biệt tốt cho những người đàn ông đã bị phì đại hoặc mắc bệnh tuyến tiền liệt. Điều này sẽ giúp họ giảm khả năng phát triển các khối u nang và nhiều biến chứng sức khỏe khác.
Các bác sĩ tiết niệu cho biết nam giới nên tiểu ngồi để có sức khỏe đường tiết niệu và tuyến tiền liệt tốt hơn.
Thậm chí một số nhà tiết niệu cho biết ngồi xuống bồn cầu thôi vẫn chưa đủ, có lẽ bạn nên kê thêm một chiếc ghế phía trước để giữ đầu gối cao hơn hông. Họ cho rằng về cơ bản, ngồi xổm mới là tư thế đi tiểu tự nhiên nhất của con người.
Trong một nghiên cứu năm 1918 trên Tạp chí Nhân chủng học Hoa Kỳ, các nhà khoa học cho biết ở các bộ lạc săn bắn hái lượm như Arawaks ở Brazil, những người đàn ông của họ cũng ngồi xổm để đi tiểu.
Các nhà sư cổ đại ở Trung Quốc cũng được biết đến với thói quen ngồi xổm khi đi tiểu. Điều này đã được Yifa, một học giả ghi lại trong cuốn "Nguồn gốc của quy tắc tu viện Phật giáo ở Trung Quốc".
Candace Granberg, một bác sĩ tiết niệu tại trung tâm y tế Mayo Clinic, Hoa Kỳ cho biết: "Khi bạn ngồi không đủ thấp, hông của bạn quá cao khiến cơ sàn chậu của bạn khó có thể thư giãn.
"Tư thế hoàn hảo là tư thế gần như bạn ngồi xổm hoàn toàn, đặt hông ở dưới đầu gối, bởi vì điều đó sẽ giúp giãn cơ sàn chậu, cho phép các cơ vòng thư giãn từ đó giúp bạn làm rỗng cả bàng quang và trực tràng của mình".
Tham khảo Japantimes" data-rel="follow" target="_blank">Japantimes , Washingtonpost , Menshealth
https://genk.vn/sau-khi-lay-vo-nhieu-nguoi-dan-ong-o-nhat-bat-dau-tieu-ngoi-tai-sao-ban-cung-nen-lam-vay-20211229183625679.chnThanh Long
Pháp luật và bạn đọc