Thế nhưng, không một ai có thể tin rằng kết thúc năm 2021 chỉ số xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng hơn 19% từ 336 tỉ USD thu về, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỉ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề.
Không chỉ có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu "tỉ đô", các doanh nghiệp trong nước đã tạo nên kỳ tích cho 8 mặt hàng khác đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, cùng một loạt tín hiệu rất khả quan mở đường cho hàng loạt nông sản Việt chất lượng cao bay xa vào nhiều thị trường quốc tế khó tính.
Trái bưởi là một ví dụ. Nếu không có "trục trặc" nào ngoài ý muốn, ngay trong quý 1-2022 người tiêu dùng Mỹ sẽ được thưởng thức bưởi của Việt Nam - loại trái cây thứ 7 được cấp phép xuất khẩu chính thức sang nước này sau vú sữa, xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm.
Và hàng triệu quả dừa của Việt Nam cũng hy vọng sẽ "trúng số" như trái bưởi, sớm được Mỹ cấp phép xuất khẩu nếu qua được các đợt đánh giá, sàng lọc ngay từ đầu năm 2022 này, tiếp bước sầu riêng Sáu Ri sang Úc, vải thiều qua Đức, mật hoa dừa vào Nhật từ nhiều phương thức bán hàng khác nhau...
Đến thời điểm này, có thể khẳng định không ít sản phẩm, thương hiệu Việt của nhiều chủng loại, ngành hàng ngày càng có chỗ đứng vững chắc, nâng cao được khả năng cạnh tranh ở các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc...
Nỗ lực vượt bậc này, nếu không muốn nói là kỳ tích, đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tạo ra cho cán cân thương mại xuất nhập khẩu đạt 700 tỉ USD, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành, thậm chí vượt mức dự toán trên 7 tỉ USD trong năm 2021 đầy sóng gió.
Cơ hội cho các doanh nghiệp chinh phục trong năm 2022 vẫn sẽ là ẩn số một khi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng, không thể tách rời trong "công xưởng" của thế giới, đương nhiên sẽ tiếp tục thách thức các doanh nghiệp về khả năng tổ chức sản xuất, quản trị bộ máy vận hành, thích ứng nhu cầu tiêu dùng xu hướng mới ở tất cả các lĩnh vực.
Đổi lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất nóng lòng, chờ đợi nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội sắp họp bàn sớm có các giải pháp, triển khai thực tế nhằm hướng đến mục tiêu trọng điểm, trọng tâm, giải quyết các vấn đề cấp bách không gây lãng phí nguồn lực.
Trước mắt có thể ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa để nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Song song đó, việc thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người lao động cần được duy trì trên diện rộng, với các quy định, thủ tục phải được tinh giản tối đa, "thông chốt" hoàn toàn, thực chất...
TTO - Bất chấp dịch COVID-19 "hoành hành" khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm nay vẫn đạt 48,6 tỉ USD, vượt hơn 6 tỉ USD so với Chính phủ giao.
Xem thêm: mth.69553247020102202-ax-yab-ioub-gnouh-ed/nv.ertiout