Sinh viên năm cuối được thí điểm đến trường thực tập tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sau năm 2021 đầy thách thức do dịch COVID-19, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ có những phương án nào để gia tăng số lượng tuyển, giải bài toán dạy thực hành và đảm bảo được chất lượng đầu ra cho sinh viên?
Tuyển đợt 1 ngay sau Tết
Khác với mọi năm, năm nay Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM chủ động đẩy mạnh tuyển sinh ngay từ đầu năm 2022.
Hiện tại, trường đang nhận hồ sơ cho đợt 1 với cả hệ cao đẳng và trung cấp thuộc 14 ngành từ công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, lập trình máy tính đến các ngành thuộc khối kinh tế như kế toán, tài chính ngân hàng...
Hạn chót nộp hồ sơ vào giữa tháng 2-2022, tức ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Đại diện nhà trường cho biết năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch và số lượng tuyển sinh của trường. Vì vậy năm nay, trường dồn sức tuyển ngay từ đầu năm và sẽ mở thêm nhiều đợt xuyên suốt năm để đủ chỉ tiêu.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng đợt tuyển đầu năm sẽ đúng lúc TP.HCM cho phép tất cả học sinh, sinh viên quay trở lại trường sau Tết, điều này sẽ tạo thêm sức hút cho nhiều bạn trẻ đăng ký theo học" - vị này nói.
Tương tự, TS Phạm Đức Khiêm, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM, cho biết ngoài những đợt tuyển sinh quan trọng hằng năm là vào tháng 7 và tháng 10, năm nay trường chú trọng hơn đợt tuyển ngay sau Tết.
Mục đích là nhằm đón được các bạn trẻ còn ở quê chưa nhập học trường nào từ năm 2021 đến nay. Theo thống kê số lượng này là không ít. Dự kiến, các lớp của đợt 1 sẽ bắt đầu học từ tháng 3-2022, trong đó một số ngành được trường xem là chiến lược như logistics hay công nghệ ôtô.
Mở ngành lạ, ngành phi truyền thống
TS Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết trường đang xin phép để có thể mở một số ngành mới trong kỳ tuyển sinh năm nay nhằm thu hút thêm nhiều người học, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Chẳng hạn, ngành điện tử nông nghiệp sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng có thể tham gia các hoạt động số hóa quá trình vận chuyển, thu mua hay giao dịch các sản phẩm nông nghiệp trên không gian số. Sinh viên có thể sáng tạo những sàn thương mại điện tử để đưa lên các sản phẩm nông nghiệp của gia đình, địa phương, qua đó giúp tăng các kênh tiêu thụ trong nước.
Tương tự, trong năm 2022, Trung tâm hướng nghiệp Á Âu, chuyên đào tạo các ngành đồ ăn - thức uống (F&B), cũng bắt đầu mở rộng những hướng đi "phi truyền thống" tưởng chừng không liên quan gì đến bếp núc như Digital Marketing, quản lý sản xuất truyền thông.
Theo đại diện trung tâm, đây là những kỹ năng và kiến thức có tính ứng dụng cho nhiều lĩnh vực ngành nghề và nhiều loại hình công việc, nhằm tiếp cận thêm với nhiều học viên.
TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết dự kiến trường sẽ có thêm môn học quản trị bệnh viện. Sinh viên sẽ được học các kiến thức quản lý trong bệnh viện từ các cấp thấp đến cao.
Những hành trang này sẽ bổ trợ cho kiến thức chuyên môn ngành y dược của các bạn để khi lên được cấp quản lý, các bạn có thể biết cách giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến kinh tế hay pháp luật...
Giải bài toán thực hành ra sao?
Bà Phạm Quang Trang Thủy, hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương, kỳ vọng trong năm 2022 sẽ có thể giải quyết được vấn đề đau đầu với hầu hết các trường nghề trong năm 2021 là cho học sinh, sinh viên thực hành.
Hiện tại, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương đang được cho phép thí điểm đón sinh viên năm cuối đến trường hoàn tất các tiết thực hành.
Bà Thủy cho biết trường đã lên nhiều kịch bản cho các trường hợp được có thêm sinh viên đến trường. Trong đó, dự kiến trường sẽ chia thành nhiều ca thực hành nhỏ, mỗi ca thay vì 15 - 20 em/xưởng sẽ giảm xuống còn 3 - 5 em/xưởng, hạn chế tiếp xúc.
Tương tự, TS Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết để giải quyết bài toán thực hành, trong năm 2022 trường sẽ tăng cường cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, thời lượng học online của các em dự kiến khoảng 30%, thực hành tại trường khoảng 30% và tại doanh nghiệp khoảng 40%.
Giữ chất lượng
TS Lê Đình Kha, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết dự kiến trong năm 2022 tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phương án để giữ được chất lượng giảng dạy trong các trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm mới.
Chẳng hạn, trường tăng cường các giáo viên hỗ trợ học sinh hiểu bài tốt nhất cả lý thuyết lẫn thực hành, đặc biệt sau giai đoạn trở lại trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2, cho biết những tháng giãn cách xã hội trong năm 2021 cũng là thời điểm để trường rà soát và hoàn thiện hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), triển khai được những học liệu số để năm 2022 có thể tối ưu hóa được thời gian học lý thuyết và tăng cường được thời gian thực tập ở xưởng.
Ngoài ra, trường cũng có thời gian nâng cấp các trang thiết bị, đầu tư thêm các phòng thực hành theo chuẩn 4.0 để tạo thêm điều kiện nâng cao tay nghề cho các bạn khi theo học.
TTO - Từ ngày 13-12, một số trường trung cấp, cao đẳng tại TP.HCM bắt đầu thí điểm đón những sinh viên đầu tiên đến trường học trực tiếp, hoàn tất những học phần thực hành còn lại trước khi tốt nghiệp.
Xem thêm: mth.47473238030102202-iom-hnis-neyut-aum-oav-ehgn-gnourt/nv.ertiout