Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng vừa có công văn hướng dẫn đánh giá học sinh (HS) tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, tùy theo điều kiện thực tế, các trường xây dựng lịch kiểm tra học kỳ 1 và hoàn thành trước ngày 15-1-2022.
Sở yêu cầu các trường tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi cho HS trước khi tổ chức bài kiểm tra. Các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra theo quy định, lưu ý không kiểm tra các nội dung đã được giảm tải. Đồng thời, cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra bằng các giải pháp, hình thức linh hoạt, phù hợp thực tế, bảo đảm an toàn trong phòng dịch.
Đà Nẵng tổ chức kiểm tra học kỳ 1 với hình thức linh hoạt, phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch.
Cụ thể, các trường in đề kiểm tra các môn, tập hợp đề của các môn (mỗi HS một tập đề) theo từng lớp. Phụ huynh nhận đề cho HS làm bài và giao bài làm của HS tại trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp liên hệ, thống nhất với phụ huynh về cách thức nhận đề, có thể nhận đề tại trường hoặc chuyển file để phụ huynh in đề cho HS làm bài.
Các trường cũng có thể lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp với các nội dung kiểm tra (kiểm tra nội dung đọc thành tiếng của môn tiếng Việt; các kỹ năng nghe, nói của môn tiếng Anh; phần thực hành môn tin học, thể dục...) và áp dụng với đối tượng HS đang ở khu cách ly, khu phong tỏa... Riêng đối với Trường Tiểu học Hòa Bắc, HS làm bài kiểm tra trực tiếp tại lớp học.
Có con học lớp 1, chị Nguyễn Thùy Anh (trú quận Hải Châu) cho biết con chị vừa nhận được nội dung ôn tập từ cô giáo chủ nhiệm, chưa có lịch thi cụ thể. Chị cảm thấy rất lo vì cháu bé mới chuyển cấp từ chơi sang học nhưng phải học trực tuyến suốt thời gian dài. “Khối lượng ôn tập nặng quá, tôi chưa biết cho con ôn kiểu gì. Nói thật các bé lớp 1 phải phân biệt các vần đã nặng lắm, giờ còn từ, tiếng, câu. Các bé giờ vẫn còn lộn xộn các vần na ná như nhau, rồi cô đọc cũng sợ không chính xác vì dạy qua thiết bị mà” - chị Anh bày tỏ.
Chị Nguyễn Minh Ánh (có con học lớp 4 Trường Tiểu học Hòa Khương 1, huyện Hòa Vang) thì ủng hộ phương án kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến. “Nếu kiểm tra trực tiếp, các con phải đến trường ôn tập sau đó mới kiểm tra, trong khi dịch COVID-19 khiến gia đình không yên tâm. Từ đầu năm học đến nay, HS học trực tuyến, vì vậy cũng nên kiểm tra trực tuyến và đánh giá nhẹ nhàng, không nên gây áp lực cho con” - chị Ánh nói.
Tương tự, chị Lưu Thơm (có con học lớp 5 Trường Tiểu học Phù Đổng) cho biết con chị đã quen với việc học và thi trực tuyến nên không gặp quá nhiều khó khăn.
“Học online thì tất nhiên cháu không hiểu bài như học trực tiếp. Ở nhà quá lâu cũng khiến cháu bớt năng động vì không giao tiếp với bạn bè, việc nhìn màn hình máy tính quá lâu cũng ảnh hưởng đến mắt bé. Tuy nhiên, dịch bệnh đang phức tạp nên phải khắc phục để đảm bảo an toàn cho bé. Năm ngoái, nhà trường gửi bài kiểm tra qua mạng, tôi in ra cho con làm bài lên giấy rồi tới trường nộp. Tôi chỉ giúp bé khâu in bài và nộp bài đúng hạn, động viên con tự làm bài theo khả năng của mình chứ không quan trọng điểm số” - chị Thơm tâm sự.
Trao đổi với PV, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết hiện công tác dạy và học đã dần vào nền nếp, ổn định. Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ 1 một cách linh hoạt, phù hợp với việc tổ chức dạy học từ đầu năm đến nay. Trừ HS khối lớp 6, 7, bậc tiểu học và mầm non, các khối khác đã đến trường học trực tiếp nên việc tổ chức kiểm tra không gặp nhiều khó khăn.
“Đối với HS tiểu học sẽ khó khăn hơn, dù vậy khối lớp 3, 4, 5 đã làm quen với việc này từ học kỳ 2 của năm học trước nên thích ứng được phần nào. Những HS không thể kiểm tra trực tiếp thì sẽ kiểm tra trực tuyến bằng hình thức trao đổi, qua quá trình học tập sẽ chọn lọc nội dung phù hợp để đánh giá các em. Còn phần lớn các trường sẽ phôtô đề, chuyển đến phụ huynh để HS làm bài trên giấy, sau đó nộp lại theo mốc thời gian quy định. Việc kiểm tra thực hiện trực tiếp trên giấy nhưng HS không làm bài tại lớp. Các khu vực cách ly, phong tỏa không thể nhận bài thì các trường sẽ tính toán tổ chức kiểm tra trực tuyến với hình thức phù hợp nhất” - ông Linh nói.
Ông Linh cho hay sở sẽ tuyên truyền để phụ huynh phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1. Phụ huynh không nên can thiệp vào bài làm của các em để chúng ta có thể đánh giá chính xác chất lượng HS cũng như giáo dục cho các em bài học về sự trung thực.
(PLO)- 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa bạo lực gia đình là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2238/QĐ-TTg ngày 30-12-2021.