vĐồng tin tức tài chính 365

Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022

2022-01-03 10:36

Thị trường chứng khoán

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 1.

Chỉ số S&P 500 đã ghi dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số với giá trị tăng tới 27,1%. Ảnh: AP.

Chứng khoán toàn cầu kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 phần lớn trong sắc đỏ. Tuy nhiên, tính trong cả năm ngoái, hầu hết các chỉ số chính đều đạt mức tăng trưởng tốt bất chấp những bất ổn trên thế giới.

Theo đó, chỉ số S&P 500 đã ghi dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số với giá trị tăng tới 27,1% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong năm qua, chỉ số này cũng có tới 70 lần lập đỉnh, chỉ đứng thứ 2 sau năm 1954. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 18,7% giá trị trong năm 2021, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi dấu ấn tăng trưởng mức 21,4%. Cùng lúc đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì các biện pháp hỗ trợ được áp dụng từ thời kỳ đầu đại dịch COVID-19.

Chuyên gia tại quỹ đầu tư của Wells Fargo, ông Chris Haverland, cho biết trong một nghiên cứu công bố mới đây: "Năm 2021 có thể coi như một năm ngoại lệ của thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ".

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 14%; chỉ số CAC 40 của Pháp gần 29%, mức cao nhất trong hơn 20 năm qua; trong khi chỉ số DAX của Đức cũng tăng gần 16%.

Về phần mình, năm 2021 lại là một năm đầy biến động cho thị trường chứng khoán châu Á. Trong bức tranh toàn cảnh khu vực, nhiều chỉ số chứng khoán châu Á sụt giảm, như chỉ số Hang Seng ở Hong Kong chịu tác động xấu do những bất ổn của thị trường bất động sản Trung Quốc và căng thẳng Mỹ-Trung.

Trong khi đó, các chỉ số khác, như Nikkei 225 của Tokyo và chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc), dù có biến động nhưng vẫn tương đối ổn định.

Thị trường chứng khoán toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022, từ lạm phát, lãi suất tăng, cho tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhiều nhà phân tích nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm tăng nguy cơ đình lạm (stagflation) trong năm mới, bao gồm tăng trưởng kinh tế suy yếu và áp lực giá cả gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông cũng sẽ đè nặng lên các nền kinh tế châu Âu.

Nếu đại dịch thực sự lắng dịu trong năm 2022 như kỳ vọng, các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất hoặc cắt giảm các chương trình nới lỏng tiền tệ hàng nghìn tỷ USD để kiềm chế lạm phát.

Chuyên gia Joost Beaumont của ngân hàng Hà Lan ABN Amro cho rằng, năm 2022 sẽ ghi nhận nhiều biến động đối với các thị trường. "Chúng tôi dự kiến các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ thắt chặt hơn, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất của FED một lần nữa sẽ châm ngòi cho biến động".

Ông George Lagarias, nhà kinh tế trưởng của Mazars đánh giá: "Các ngân hàng trung ương đang thẳng tiến trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ, đây là một sự khác biệt lớn với các đợt bùng phát đại dịch trước đó. Chúng tôi tin rằng trong năm 2022, nhà đầu tư ít nhất cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động mạnh hơn".

Dù vậy, hầu hết ngân hàng Phố Wall đều dự đoán chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên trong 2022, nối tiếp đà tăng lớn trong năm 2020 và 2021.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cho biết: "Tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục có xu hướng đi lên trong nửa đầu năm 2022, chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ ngay cả khi các biện pháp nới lỏng tiền tệ khẩn cấp bị cắt giảm. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào mức tăng trưởng 10% đối với lợi nhuận doanh nghiệp trong năm tới".

Bất động sản

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 2.

Giá bất động sản trên toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021. Ảnh: Reuters.

Đại dịch COVID-19 đã phần nào kìm hãm thị trường bất động sản toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu cao cùng với sự thiếu hụt nguồn cung cũng đã tạo ra các cơn sốt đất trên khắp thế giới.

Sean Coghlan, Giám đốc toàn cầu về chiến lược và nghiên cứu thị trường vốn tại JLL cho biết: "Nhu cầu trên thị trường đang ở mức cao, qua đó tạo ra những cuộc chiến khốc liệt hơn và điều này đã được nhìn thấy trong phân khúc bất động sản nhà ở".

Mới đây, công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank đã công bố bảng xếp hạng giá nhà ở toàn cầu trong năm 2021. Tính đến hết quý III/2021, giá nhà trên toàn cầu đã tăng trung bình 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Knight Frank, giá nhà ở trung bình trên 150 thành phố được công ty theo dõi đã có tốc độ tăng nhanh nhất trong 17 năm qua.

Knight Frank cũng dự đoán, giá nhà có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới vì một số yếu tố như các gói kích thích của chính phủ, tiền tiết kiệm của người tiêu dùng trong thời gian đại dịch tăng lên và khách hàng sẽ đánh giá lại lối sống sau đại dịch. Ngoài ra, lãi suất và lạm phát cũng có thể ảnh hưởng đến giá nhà.

Trong khi đó, theo CNBC, các chuyên gia nhà đất cho rằng vào năm 2022, thị trường có thể chứng kiến các xu hướng tương tự như hai năm qua: Giá tăng mạnh, nguồn cung thấp và xoay vòng nhanh.

Không chỉ vậy, những rắc rối từ chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt lao động sẽ còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù các nhà phát triển đang cố gắng tăng cường, nhưng nguồn cung bất động sản toàn cầu vẫn sẽ khan hiếm trong năm nay.

Theo các nhà kinh tế học từ Zillow và Realtor.com, với xu hướng nguồn cung thắt chặt, nhu cầu cao, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên sẵn sàng cho một đợt tăng giá mạnh nữa, có thể vào quý I/2022 trước khi những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giảm dần.

Thị trường vàng

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 3.

Các dự đoán về giá vàng cho năm 2022 khá đa dạng, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng vàng sẽ chỉ duy trì mức quanh mức giá hiện tại. Ảnh: Reuters.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, chốt phiên giao dịch ở mức 1.830,8 USD/ounce. Tuy nhiên, so với giá vàng đầu năm 2021 là 1.898 USD/ounce thì đây là ngưỡng còn khiêm tốn.

Có thể nói 2021 là một năm nhiều biến động và tương đối thất vọng đối với thị trường vàng, trong đó đáng kể phải nói đến đợt sụt giảm nhanh và mạnh vào tháng 8 khi giá vàng giảm xuống dưới 1.700 USD/ounce.

Thị trường vàng phải vật lộn để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngay cả khi lãi suất thực tế giảm xuống mức âm lịch sử do áp lực lạm phát gây ra.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Mỹ dường như không khiến nhiều nhà đầu tư bán lẻ lo lắng. Ngược lại họ có vẻ lạc quan về thị trường vàng trong năm mới.

Giá vàng năm 2022 có một số động lực chính cần chú ý, từ chính sách tiền tệ, đại dịch và các vấn đề địa chính trị. Hướng giá vàng có thể di chuyển sẽ phụ thuộc vào kết quả của nhiều vấn đề cũng như những tác động tiềm tàng của chúng.

Các dự đoán về giá vàng cho năm 2022 khá đa dạng, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng vàng sẽ chỉ duy trì mức quanh mức giá hiện tại.

Ở mức dự báo thấp nhất là Ngân hàng ANZ cùng với Ngân hàng OCBC của Singapore, những bên tin rằng của sự phục hồi kinh tế, khiến lãi suất tăng trở lại sẽ khiến vàng giảm xuống 1.500 - 1.600 USD/ounce.

Trong khi đó, BMO Capital Markets, UBS Global Wealth Management và Reuters, đều dự đoán giá vàng năm 2022 sẽ ở mức trung bình từ 1.700 - 1.800 USD/ounce.

Các nhà phân tích khác, chẳng hạn như Trading Economics, nhận thấy vàng sẽ đạt mức trung bình 1.963 USD/ounce, trong khi Goldman Sachs vẫn cho rằng vàng sẽ đạt 2.000 USD/ounce trong quý đầu tiên 2022.

Về cơ bản, xu hướng chọn vàng là một nơi trú ẩn an toàn và hàng rào chống lại lạm phát vẫn hỗ trợ giá trong năm tới. Tuy nhiên, những dự đoán giá vàng cho năm 2022 cho thấy thị trường có thể sẽ biến động đáng kể.

Trái phiếu chính phủ

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 4.

Đa phần các nhà chiến lược thị trường đều kỳ vọng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng cao hơn vào năm 2022. Ảnh: FTimes.

Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã kết thúc năm 2021 trên ngưỡng 1,5%. Có thể nói rằng, năm ngoái là một dấu mốc khó quên được đánh dấu bởi đại dịch COVID cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.

Đầu năm 2021, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ bắt đầu với 0,91%, sau đó tăng vọt lên mức cao 1,776% trong tháng Ba và cuối cùng 'hạ cánh' với mức 1.512%.

Nhìn chung, lợi suất trái phiếu chính phủ đã thay đổi trong suốt cả năm do lo ngại về lạm phát và khi Cục Dự trữ Liên bang nới lỏng các chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.

Kathy Jones, chiến lược gia trưởng của Charles Schwab cho biết đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường trái phiếu vào năm 2021.

"COVID đã dẫn đến các phản ứng chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như tất cả những biến động mà chúng tôi nhận thấy trong dữ liệu kinh tế. Đây thực sự là một vấn đề lớn trên thị trường", Kathy Jones nói.

Hiện tại, đa phần các nhà chiến lược thị trường đều kỳ vọng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng cao hơn vào năm 2022.

Lawrence Gillum, chiến lược gia tại LPL Financial cho biết: "Chúng tôi dự đoán lãi suất sẽ tăng lên một cách khiêm tốn vào năm 2022 dựa trên kỳ vọng lạm phát ngắn hạn. Dự báo cuối năm 2022 của chúng tôi cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là 1,75–2%".

Thị trường tiền điện tử

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 5.

Bitcoin đã có một 'màn trình diễn' ấn tượng trong năm 2021. Ảnh: CNBC.

Nhìn lại 2021, Bitcoin đã có một năm tăng trưởng khá tốt. Đồng tiền kỹ thuật số này đã tăng gần 70% kể từ đầu năm, kéo vốn hóa toàn bộ thị trường lên 2.000 tỷ USD.

Năm nay chứng kiến Coinbase - công ty tiền số lớn đầu tiên IPO. Các ngân hàng phố Wall như Goldman Sachs tham gia nhiều hơn vào thị trường tiền số và quỹ ETF Bitcoin đầu tiên cũng ra đời. Đặc biệt, thị trường cũng chào đón El Salvador sau khi quốc gia này tuyên bố chấp nhận Bitcoin.

Năm 2021 ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chấp nhận tiền điện tử như một hình thức thanh toán như: Chuỗi rạp chiếu phim AMC quyết định chấp nhận Bitcoin, Ether và Litecoin để mua vé.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ như Amazon và Walmart đang thuê các chuyên gia về blockchain và tiền điện tử để nghiên cứu về chiến lược tiền kỹ thuật số của mình.

Theo Bloomberg, năm nay, dường như ai cũng muốn biến mình thành nhà đầu tư tiền điện tử. Chỉ riêng người dùng đã xác minh tài khoản trên Coinbase - sàn tiền số lớn thứ hai thế giới - đã tăng từ 32 triệu năm 2019 lên 73 triệu vào tháng 9.

Dữ liệu của Pew Research cho thấy, 16% người dân Mỹ có nắm giữ tiền điện tử năm nay, trong khi năm 2015 chỉ vỏn vẹn 1%. Còn theo Crypto.com, ở quy mô toàn cầu, lượng người sở hữu tiền điện tử đã tăng gấp đôi năm trước, lên 220 triệu người.

Tuy nhiên, sự giám sát chặt chẽ về quy định và biến động giá dữ dội gần đây đã khiến Bitcoin bị hạ bớt triển vọng. Không chỉ vậy, các chuyên gia còn cảnh báo thị trường tiền ảo có thể đang tiến tới một đợt suy thoái khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Các cơ quan quản lý đã tăng cường sự kiểm soát đối với tiền điện tử trong năm nay, trong đó có với việc Trung Quốc cấm hoàn toàn tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử, hay việc một số cơ quan chức năng của Mỹ đã siết chặt một số quy định trên thị trường. Vì vậy, các nhà phân tích dự kiến năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều quy định hơn nữa đối với thị trường tiền ảo.

Nhà phân tích Luno’s Ayyar nói: "2022 sẽ là một năm quan trọng trên mặt trận pháp lý. Mối quan tâm tới tiền điện tử từ nhiều chính phủ khác nhau, đặc biệt là từ chính phủ Mỹ, về việc tạo ra các quy chuẩn cho tiền điện tử sẽ lên tới đỉnh điểm".

Ngoài ra, ông Ayyar cũng kỳ vọng chính phủ Mỹ có thể làm rõ về "vùng xám" hợp pháp của các loại tiền điện tử khác ngoài Bitcoin ethereum, mà SEC đã nhận định là không phải là chứng khoán.

Theo nhà phân tích Lowenstein: "Chắc chắn sẽ có nhiều sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với các đồng tiền ổn định khi các cơ quan quản lý xem xét tính hợp lý của tài sản thế chấp cơ bản và số lượng đòn bẩy được triển khai".

Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng không gian DeFi. Đầu tháng này, nhóm bảo trợ của ngân hàng trung ương, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã kêu gọi thiết lập quy định cho DeFi do lo ngại tính hợp pháp và xác thực trước sự xuất hiện của các dịch vụ tự tiếp thị là "phi tập trung".

Thậm chí, một số chuyên gia tin rằng Bitcoin sẽ giảm mạnh trong những tháng tới.

Carol Alexander, giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, dự đoán Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 10.000 USD vào năm 2022 và kêu gọi các nhà đầu tư nên bán hết số Bitcoin đang nắm giữ.

Quan điểm này của bà Carol được đưa ra dựa trên việc xét thấy Bitcoin "không có giá trị cơ bản thực sự" và chỉ đóng vai trò như một thứ đồ chơi hơn là một khoản đầu tư đáng giá.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ tiền điện tử không đồng tình với quan điểm này, vì hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư và tổ chức tham gia vào thị trường tiền điện tử, nên việc Bitcoin sụt giá quá mạnh sẽ khó xảy ra.

Ông Todd Lowenstein, giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng tư nhân của Union Bank cũng bày tỏ dự đoán không mấy lạc quan về đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới khi cho rằng Bitcoin – hiện đang được một số nhà đầu tư coi là hàng rào chống lạm phát, sẽ sớm trở thành khu vực đầu cơ của thị trường tiền điện tử do được định giá cao qua mức.

Bên cạnh đó, cũng có một số nhà đầu tư vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Bitcoin hoàn toàn có thể đạt mức tăng lên 100.000 USD/ đồng trong năm tới.

NFT

 Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022 - Ảnh 6.

Mở đầu năm 2022, cộng đồng đầu tư NFT trên Twitter đã háo hức chia sẻ thông tin rapper người Mỹ Eminem mua NFT Bored Ape Yacht Club (BAYC). Ảnh: Coindesk.

Năm 2021 là một năm thành công rực rỡ cho các loại tiền điện tử có vốn hóa lớn. Tuy nhiên, một số mức tăng lớn nhất và sự phát triển có tác động mạnh nhất đến từ thị trường altcoin, nơi tài chính phi tập trung (DeFi) và các tài sản không thể thay thế (NFT) đã tăng hàng nghìn phần trăm, mở ra một cấp độ mới đối với nhận thức và khả năng chấp nhận công nghệ blockchain, tiền điện tử của công chúng.

NFT xuất hiện từ vài năm trước nhưng mới trở thành cơn sốt toàn cầu từ tháng 3 khi tấm ảnh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple (Mỹ) được mua với giá 69 triệu USD - mức cao kỷ lục tại nhà đấu giá Christie's. Sau đó, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, người nổi tiếng cũng tham gia lĩnh vực này.

Gần đây, trào lưu game NFT cũng nhận sự chú ý lớn, trong đó có Axie Infinity, The Sandbox hay Decentraland. Theo Nonfungible, doanh thu của NFT đã đạt khoảng 14,1 tỷ USD trong năm 2021, tăng nhiều lần so với mức 65 triệu USD của 2020.

Mở đầu năm 2022, cộng đồng đầu tư NFT trên Twitter đã háo hức chia sẻ thông tin rapper người Mỹ Eminem mua NFT Bored Ape Yacht Club (BAYC).

Thông qua một đơn vị trung gian, Eminem đã bỏ ra 123.45 ETH (trị giá khoảng 452.000 USD) để sở hữu NFT BAYC số 9055. Đây là một NFT hình chú vượn đội mũ và đeo dây chuyền vàng, có nhiều nét tương đồng với phong cách ăn mặc thường ngày của vị rapper.

Ngoài Eminem, danh sách những người nổi tiếng khác đang sở hữu NFT Bored Ape Yacht Club gồm hãng thời trang Adidas, rapper Snoop Dogg, bộ đôi DJ The Chainsmokers, DJ Steve Aoki, nhà sản xuất âm nhạc Marshmello, rapper Future, ca sĩ Timbaland, nhà đầu tư Mark Cuban, ngôi sao NBA Stephen Curry, huyền thoại bóng rổ Shaquille O’Neal và người dẫn chương trình Jimmy Fallon.

Theo các chuyên gia tiền điện tử, năm 2022 sẽ chứng kiến sự gia tăng tiếp tục của NFT, đặc biệt trong bối cảnh metaverse và Web 3.0 phát triển.

"Vào năm 2021, NFT đã trở thành tâm điểm truyền thông khi những bộ sưu tập hiếm liên tục được bán với giá cao chót vót. NFT sẽ tiếp tục xâm lấn cuộc sống hàng ngày của từng người vào năm sau", Jake Udell, CEO Metalink Labs, công ty trung gian cho các hoạt động của nghệ sĩ NFT, nói.

Trong khi đó, tại một buổi phỏng vấn với truyền thông, Ủy viên SEC Hester Peirce nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng trong năm 2022, việc tài chính hóa NFT sẽ ngày càng tăng vì đây là những tài sản có giá trị".

Xem thêm: nhc.68321800130102202-2202-man-gnort-ut-uad-hnek-cac-gnov-neirt/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools