Tại sao bạn chưa có được căn nhà cho mình ở tuổi 30, đừng lo lắng vì điều đó không hoàn toàn là thất bại hoàn toàn. Việc chưa tìm được một chỗ ở riêng thật sự cũng có những lợi ích mà chưa chắc là bạn đã biết. Đoán xem!
Lý do thứ nhất thuộc về khả năng tài chính
Có phải bạn từng ấp ủ một ước mơ tậu cho mình căn nhà từ ngay những năm tháng đại học? Nhưng bạn không tài nào mua được vì giá cả của một căn nhà khi đó là quá sức đối với một người chưa kiếm ra tiền. Thậm chí, khi bạn đã tốt nghiệp, đi làm được vài năm, khả năng tài chính của bạn vẫn không đủ để mua căn nhà ao ước.
Cân nhắc kỹ càng việc mua nhà khi còn quá trẻ
Không phải bạn quá kém cỏi mà là do thị trường bất động sản phát triển quá nhanh chóng. Mức tăng lương của bạn không theo nổi mức tăng giá của nhà đất. Đó là lí do tại sao nhiều người nói rằng nếu bạn cứ mãi làm công ăn lương, 10 năm nữa cũng không mua nhà nổi .
Tuy nhiên điều này cũng không hoàn toàn xấu. Với mức tiền đó bạn không thể mua nhà ở trung tâm thành phố nhưng có thể hi vọng về ngôi nhà ngoại ô hoặc ở những vùng khác lân cận. Có thể di chuyển xa một chút nhưng đổi lại bạn sẽ có được không khí yên bình và trong lành.
Lý do thứ 2: Vay ngân hàng để mua nhà cũng là một áp lực lớn không kém
Bạn đã có vài tỉ đồng tiền mặt trong tay chưa? Câu trả lời đa số chắc chắn là chưa rồi. Vì vậy, bắt buộc bạn phải đi vay ngân hàng hoặc người thân để trả. Đó chưa bao giờ là một khoản vay ít.
Bạn sẵn sàng bỏ công sức để tu sửa ngôi nhà mỗi năm không?
Và thực tế, có lẽ đến năm 50-60 tuổi bạn vẫn có thể là một con nợ của... ngân hàng. Nghe thật chán nản đúng không? Không ít người lâm vào tình cảnh khó khăn trong đợt dịch Covid-19 trong năm trước. Họ bị thôi việc hoặc cắt giảm lương, điều đó làm mất khả năng chi trả tiền cho ngôi nhà. Nếu không thể vay mượn từ nguồn khác thế chấp vào, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Cho nên hãy cảm thấy may mắn vì bạn đang không phải gánh món nợ hay áp lực trả nợ nào trên vai cả.
Thứ 3: Bạn sẽ phải học cách trở thành một chủ nhà có trách nhiệm
Bạn đã theo dõi bố mẹ mình làm những gì để duy trì ngôi nhà của mình chưa? Họ đã sửa sang lại để làm cho ngôi nhà trông đẹp hơn. Ngoài ra, thời tiết cũng ảnh hưởng cực nhiều: sơn bạc màu hay gió làm bay một phần mái nhà... đều phải bỏ công sức và tiền bạc để sửa sang lại. Thậm chí là nội thất hỏng hóc cũng chiếm một phần tiền không hề nhỏ.
Việc phải làm tất cả những điều đó cho ngôi nhà của chính mình sẽ chiếm rất nhiều thời gian và tiền bạc của những người trẻ. Vì vậy, trước khi có ý định mua một căn nhà, bạn phải nghĩ xem mình có sẵn lòng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đổ vào ngôi nhà ấy hay không đã nhé!
Thứ 4: Ở với bố mẹ cũng tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn
Nếu nhà bạn gần nơi làm việc, hoặc nhà bạn có ít người, tại sao không thử chọn sống với bố mẹ. Đồng ý rằng khi sống với bố mẹ bạn sẽ phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định mà người lớn đưa ra. Nhưng điều đó không phải là quá khó đúng không?
Lợi thế lớn khi sống gần bố mẹ
Ngược lại bạn sẽ nhận về rất nhiều thứ: bạn được sống gần với bố mẹ, chỗ ở và bữa ăn miễn phí hoặc đỡ tốn kém hơn, sau này ngôi nhà ấy có khả năng cũng sẽ thuộc về sở hữu của bạn. Không phải lo về những chi phí này, chắc chắn số tiền bạn tích góp được sẽ rất lớn. Đây là một ưu thế lớn, tuy nhiên nếu bạn là người không thích bó buộc thì hãy nên suy nghĩ thêm.
Và cuối cùng, chi phí thuê nhà rẻ hơn rất nhiều so với việc mua chúng
Với một căn nhà như nhau nhưng số tiền bạn bỏ ra khi bạn thuê chúng ít hơn gấp nhiều lần khi bạn mua. Và cũng chẳng có gì ràng buộc bạn với nó cả. Ví dụ như bạn và người yêu quyết định sống chung. Thay vì bàn việc mua nhà, hãy thử bàn về chuyện thuê một căn phòng trước. Vì biết đâu hai bạn sẽ... chia tay thì sao?
Đương nhiên đó chỉ là một ví dụ xấu nhất nhưng nó thật sự đáng cân nhắc. Bạn có thể thuê chúng trong những năm đầu với giá tiền rẻ để tích góp. Sau khi tích góp đủ thì quyết định mua cũng không muộn mà.
Tiết kiệm được tiền khi thuê nhà, tại sao không?
Những lý do trên đây chỉ là một trong số các điều mà bạn nên cân nhắc. Liệu mình nên có một căn nhà hoặc là tiếp tục làm lụng tích góp để dành vốn cho những việc quan trọng khác? Chắc chắn mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng nhưng hãy cẩn trọng khi quyết định nhé!
Ảnh: Tổng hợp
Thanh Phú
Pháp luật và Bạn đọc