Mở đầu phiên sáng nay 3-1, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC lên sát vùng 62 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc sáng niêm yết mua vào ở mức 61 triệu đồng/lượng, bán ra 61,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Nhưng đến đầu giờ chiều, giá vàng miếng SJC đột ngột “rơi” 100.000 – 150.000 đồng/lượng, về lại mức giá tham chiếu.
Tương tự, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý cũng hạ giá bán xuống còn 61,7 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 61,05 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa chiều mua-bán vàng SJC dao động quanh ngưỡng 650.000 - 700.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, tại hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng Mi Hồng, giá mua vào ở mức 61,15 triệu đồng/lượng và bán ra quanh mức 61,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chiều qua. Mức chênh lệch giữa giá mua vào- bán ra rút ngắn xuống còn 250.000 đồng/lượng, thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Ngược chiều với đà giảm của vàng miếng SJC, giá vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn được các doanh nghiệp neo giá mua – bán hiện giao dịch phổ biến ở mức 52,4 – 53,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng quốc tế ở mức 1.826 USD/ounce, giảm nhẹ 4 USD/ounce so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021. Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49,7 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo giá kim loại quý trên thị trường quốc tế trong năm nay sẽ bật tăng và tiệm cận mốc 2.000 USD/ounce, tương đương 55,6 triệu đồng/lượng.
Nếu giá vàng miếng SJC vẫn duy trì khoảng cách chênh lệch cao khủng khiếp từ 11 - 12 triệu đồng/lượng như thời điểm hiện tại thì khi giá vàng thế giới bật tăng lên 2.000 USD/ounce, lúc đó giá vàng miếng SJC sẽ vọt lên trên 67 triệu đồng/lượng?!