Vụ việc bé gái ở TP.HCM nghi bị tấn công đến tử vong đang gây bức xúc trong xã hội và dấy lên một nỗi băn khoăn lớn là khi cần bảo vệ, người dân tìm đến ai?
Hiện nay, các số điện thoại khẩn cấp ở Việt Nam đang được quy định là: 113 (cảnh sát); 114 (phòng cháy chữa cháy), 115 (cấp cứu). Riêng đối với trẻ em, có thêm tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là 111.
Bằng cách nào để một người dân khi ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam cần trợ giúp hay tố giác về sự mất an toàn của mình và người khác có thể được hỗ trợ hiệu quả? Từ thực tế hoạt động cộng đồng và bảo vệ trẻ em, tôi có một số gợi ý giải pháp để các cơ quan liên quan và người dân tham khảo dưới đây:
Bảo vệ người dân là dành cho tất cả, không phân biệt. Điều này thể hiện trong việc cơ cấu các tổng đài khẩn cấp (113, 114, 115) với một hệ thống xuyên suốt có thể hành động ngay lập tức với công cụ, phương tiện, thẩm quyền, ưu tiên, có sự giám sát chặt chẽ và các mệnh lệnh, thực thi bởi các cơ quan chuyên nghiệp, nhân sự được huấn luyện kỹ càng. Khi gọi vào các số này, người gọi hoàn toàn không bị mất tiền và được định vị để các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu sẽ được gửi đến nhanh nhất.
Người thân tưởng niệm bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Trong công việc của mình, tôi có những trải nghiệm về việc người dân gọi đến tổng đài 113 để yêu cầu trợ giúp thì được tổng đài viên yêu cầu/hướng dẫn liên lạc với công an cấp xã để xử lý vụ việc. Người phụ nữ đang bị chồng tấn công tháo chạy và gọi cho số 113 thì được yêu cầu là ra phường trình báo; xong người phụ nữ không trình báo nữa. Lúc này, trong sự khủng hoảng đó, người phụ nữ khó có thể chạy đến trụ sở công an phường và mang thêm nỗi hoang mang.
Đặt niềm tin gọi tới một nơi nghĩ rằng có thể được hỗ trợ ngay thì bị yêu cầu “quay đầu” về phường, mất thêm một lần nữa thời gian kể lại câu chuyện, nếu lúc đó điện thoại không còn tiền để gọi thì sẽ như thế nào! Khi người dân yêu cầu công an cấp xã can thiệp sẽ không hiệu quả bằng mệnh lệnh can thiệp của cơ quan công an đầu mối đưa ra.
Trải nghiệm của bản thân tôi khi gọi 113 cũng giống như người phụ nữ trên. Một tình huống là tôi phát hiện tài sản bị mất cắp đang được bán ngoài chợ và tôi gọi 113 thì được yêu cầu hãy liên lạc với công an phường. Trong lúc đó, tôi đã yêu cầu tổng đài viên hãy liên lạc và gửi công an phường đến địa điểm mà tôi đang cần hỗ trợ, tôi chỉ biết 113 là cơ quan công an và không biết nơi đang đứng là phường nào, số điện thoại nào. Ngay sau đó, lực lượng công an đã đến hiện trường, thu giữ tang vật và đưa những người có liên quan về trụ sở làm việc.
Câu chuyện của người phụ nữ và câu chuyện của tôi cho thấy 113 có đầy đủ chức năng tiếp nhận, hành động, điều phối hành động khẩn cấp, kịp thời để hỗ trợ, bảo vệ người dân. Vấn đề cần cải thiện là thái độ, kỷ luật làm việc để đảm bảo rằng tất cả cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ, tố giác phải được tiếp nhận, xử lý, giám sát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng đẩy người yêu cầu người cần hỗ trợ đi tìm cơ quan khác.
Trở lại vụ việc nạn nhân là trẻ em tử vong do tấn công bạo lực, trên Diễn đàn bảo vệ trẻ em, có nhiều người hoang mang rằng vậy khi gặp tình huống trẻ em cần trợ giúp bảo vệ thì gọi 113 hay gọi 111?
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một cơ sở của Cục trẻ em. “Cục Trẻ em là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em trong phạm vi trách nhiệm của Bộ” (Điều 1 Quyết định 1126/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, tin báo về hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em được quy định rõ tại Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017. Trong đó, với những trường hợp cầu cứu khẩn cấp, Tổng đài 111 phải kết nối ngay với công an, cán bộ trẻ em, cán bộ xã phường… Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Tổng đài sẽ kết nối thêm với phòng LĐ-TB&XH cấp quận huyện, trung tâm công tác xã hội các tỉnh, TP, thậm chí Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, TP. Ngoài ra, tùy tính chất vụ việc, Tổng đài còn có thể kết nối đến các ban ngành liên quan hay các tổ chức phi chính phủ ở tại địa phương của nạn nhân.
Tóm lại, tổng đài 111 hoạt động 24/24 nhưng là nơi tiếp nhận và chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng liên quan để cùng phối hợp xử lý, khâu này cũng gây mất thời gian trong những tình huống khẩn cấp. Đã từng có nhiều người hiểu nhầm rằng khi gọi lên 111 là cán bộ phải có mặt ngay hiện trường để bảo vệ trẻ em, điều đó là khó có thể bởi thông tin phải được xử lý qua quy trình chuyển thông tin, phối hợp như đã nói trên.
Tôi mong muốn những trường hợp khẩn cấp như cháu V.A cần sự có mặt ngay lập tức của lực lượng công an. Nghĩa là với tình huống khẩn cấp thì bên cạnh việc gọi điện đến Tổng đài 111 thì người dân cũng cần gọi ngay gọi 113. Điều này cũng dễ thực hiện cho công tác tuyên truyền: Để bảo vệ bản thân và người khác trong tình huống khẩn cấp, hãy gọi đến các số của cảnh sát (113), chữa cháy (114), cấp cứu (115).
Tổng đài 111 chỉ tiếp nhận và chuyển tin báo Nhiều người gọi đến Tổng đài Quốc gia 111 (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) kỳ vọng tư vấn viên của tổng đài xuống hiện trường ngay lập tức. Tuy nhiên, thực tế, tổng đài chỉ là nơi tiếp nhận và chuyển thông tin, tin báo đến các cơ quan chức năng, cán bộ theo ngành dọc và những tổ chức liên quan để hỗ trợ… Nhân viên tư vấn của tổng đài không phải là người xuống tận nơi. Người dân luôn muốn vụ việc của mình được giải quyết ngay và luôn. Họ chưa có nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ của tổng đài. Đa số đều mong muốn và quan tâm xử lý thủ phạm ngay lập tức chứ không phải hỗ trợ về mặt tâm lý cho trẻ. Xử lý thủ phạm, xác minh vụ việc thì cần có thời gian điều tra và trách nhiệm đó thuộc về công an và các bên liên quan, không phải chức năng của tổng đài. Tổng đài có kết hợp nhưng đó không phải chức năng chính. Bà LÊ THỊ THẢO, Phó trưởng Tổng đài Quốc gia 111 NGỌC LÀI ghi |