Gần một phần ba số doanh nghiệp nhỏ được khảo sát nói với FSB rằng, họ đã ghi nhận tình trạng chậm thanh toán hóa đơn tăng lên trong ba tháng qua. Ít nhất 8% doanh nghiệp cảnh báo rằng, vấn đề đã trở nên tồi tệ đến mức đe dọa khả năng tồn tại của doanh nghiệp họ. Tổ chức này đã kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của chính phủ để cải thiện cách thanh toán của các công ty.
Trong nhiều năm, vấn đề thanh toán chậm - thường xảy ra bởi các công ty có giá trị vốn hóa lớn tại sàn London - đã đeo bám khu vực doanh nghiệp nhỏ. Theo lẽ thường, các công ty thường phải thanh toán cho nhà cung cấp, tiền lương và các hóa đơn khác đúng hạn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chờ lâu hơn để được các doanh nghiệp lớn này thanh toán.
FSB cho biết, hơn 400.000 công ty nhỏ đã đóng cửa kể từ khi bắt đầu đại dịch vì nhiều lý do khác nhau. Trong tương lai, số lượng tương tự sẽ bị đe dọa bởi riêng vấn đề này.
"Việc thanh toán chậm đã phá hủy hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ ngay cả trước khi đại dịch xảy ra và đại dịch đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Trong quá khứ, chính phủ đã xác định đúng đắn hơn trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị là chìa khóa để thúc đẩy sự thay đổi trong văn hóa này, nhưng việc giải ngân vẫn diễn ra rất chậm", Chủ tịch FSB Mike Cherry cảnh báo.
FSB cho rằng, mọi doanh nghiệp lớn và tổ chức chính phủ nên tuân thủ lệnh thanh toán nhanh. Tổ chức này đề xuất, thời hạn thanh toán 30 ngày nên là tiêu chuẩn. Ngoài ra, FSB còn muốn mọi tập đoàn lớn của Anh đều có một "giám đốc không điều hành" trong hội đồng quản trị của mình, chịu trách nhiệm trực tiếp về văn hóa thanh toán.
Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: "Chính phủ đang thực hiện những cải cách đáng kể để giúp các doanh nghiệp nhỏ được thanh toán đúng hạn, bao gồm giảm một nửa thời gian thanh toán trong lệnh thanh toán nhanh, tư vấn về tiền phạt và bổ sung thêm các quyền hạn mới cho Ủy viên doanh nghiệp nhỏ".
Lệnh thanh toán nhanh (PPC) được tạo ra bởi chính phủ Anh vào năm 2008 để đáp ứng lời kêu gọi từ các doanh nghiệp về việc thay đổi trong văn hóa thanh toán. Nó thiết lập một bộ nguyên tắc cho các doanh nghiệp khi giao dịch và thanh toán cho các nhà cung cấp, cam kết họ thanh toán đúng hạn và công bằng.
Ngoài ra, phát hiện khác trong cuộc khảo sát của FSB với hơn 1.200 thành viên được cho là sẽ khiến các bộ trưởng quan tâm. Theo tổ chức này, năm 2021 là một năm suy giảm niềm tin của các chủ doanh nghiệp nhỏ theo từng quý. Ông Cherry cho biết các công ty nhỏ, sử dụng hơn 13 triệu lao động ở Anh, đang phải đối mặt với các cuộc chiến trên hầu hết mọi mặt trận.
Nhiều công ty dự đoán hoạt động của họ sẽ xấu đi trong ba tháng tới. Sự bi quan đặc biệt rõ rệt trong các ngành bán lẻ, lưu trú và thực phẩm, vì nhiều người tiêu dùng Anh đã tự áp dụng các biện pháp giãn cách khi đối mặt với biến thể Omicron.
Hình ảnh những con phố vắng vẻ trước Giáng sinh, nỗi lo sợ về chi phí năng lượng tăng cao và lo ngại rằng nhân viên sẽ không thể trở lại làm việc vào ngày mai - ngày đi làm trở lại, có thể là nguyên nhân chính. Giá năng lượng tăng đột biến đã buộc một số công ty phải đóng cửa.
Các công ty nhập khẩu hàng hóa từ EU giờ đây cũng phải đối mặt với những thủ tục giấy tờ mới, rắc rối hơn. Nhiều quy định yêu cầu các doanh nghiệp, hầu hết là bên nhận hàng, phải thông báo cho cơ quan hải quan chính xác về những gì đang được gửi đến Anh từ EU và cụ thể là từ đâu. Các quy định này phát sinh khi Anh rời EU và đã được miễn trong suốt năm 2021 nhưng giai đoạn tới sẽ bắt đầu được áp dụng lần đầu tiên.
Tất Đạt (theo The Guardian)