Với mức tăng trưởng 2,9%, mức tăng GDP của ngành nông nghiệp còn cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, nông nghiệp sẽ tạo lực cho tăng trưởng năm 2022.
Cột trụ nông nghiệp sẽ đẩy tăng trưởng GDP 2022 bứt phá
Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vai trò của nông nghiệp đã được thể hiện rõ nét trong 2 năm dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên toàn nền kinh tế, nông nghiệp đã đóng vai trò là “trụ đỡ” để đưa nền kinh tế qua nhiều giai đoạn khó khăn nhất. Đặc biệt, trong quý IV và cả năm 2021 vừa qua, động lực tăng trưởng chính là nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
“Khu vực này đã thể hiện được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, khi vừa đảm bảo được an sinh, an dân, lại vừa đạt mức tăng trưởng cả năm 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế” – bà Nguyễn Thị Hương nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp; là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt lên khó khăn chung và đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỉ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỉ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
“Đặc biệt, năm 2021 tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu; trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỉ USD; tôm trên 3,85 tỉ USD; rau quả trên 3,52 tỉ USD; hạt điều: 3,66 tỉ USD; gạo trên 3,27 tỉ USD; caosu trên 3,31 tỉ USD. Đây là những cơ sở tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2022” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lạc quan về tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,5%
Rõ ràng, hơn cả "trụ đỡ", khi nông nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng trong muôn vàn khó khăn của năm 2021: Dịch bệnh trên người và động vật, thiên tai phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu khó khăn... từ vai trò "trụ đỡ", nông nghiệp đã đóng vai trò "trụ chính" - là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Để đóng góp vào tăng trưởng chung, năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu sản lượng lương thực có hạt 48,3 triệu tấn. Riêng diện tích gieo cấy lúa từ 7,2 - 7,3 triệu hecta, thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng 43 - 43,9 triệu tấn; ngô: 880 nghìn hecta; khoai lang: 105 nghìn hecta; sắn: 530 nghìn hecta...
Trong năm 2022, xuất khẩu tiếp tục là “điểm sáng” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có vai trò rất lớn của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Dự báo các mặt hàng trên 3 tỉ USD như gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, hạt điều, rau quả, lúa gạo, caosu… tiếp tục đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới.
Bà Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và mục tiêu này nhiều tín hiệu lạc quan bởi thời gian qua chúng ta đã có sự chuẩn bị rất tốt về nguyên, nhiên vật liệu đầu vào để phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu trong năm 2022 và trong năm nay, nông nghiệp sẽ phát huy nhiều thế mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá rất cao vai trò của ngành nông nghiệp trong thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng đã giao và tin tưởng xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp trong năm 2022 sẽ đạt trên 50 tỉ USD, bởi trong năm 2021, ngành đã về đích ngoạn mục với 48,6 tỉ USD - là mức cao kỷ lục, vượt 6,6 tỉ USD so với chỉ tiêu được giao, thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 6,4 tỉ USD, góp phần quan trọng vào xuất siêu của cả nước…
Xem thêm: odl.113199-2202-man-gnort-et-hnik-gnourt-gnat-cul-gnod-al-cut-peit-peihgn-gnon/et-hnik/nv.gnodoal