Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 “kỳ lân” công nghệ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt để đạt được trạng thái kỳ lân phải có giá trị vốn hóa từ 1 tỉ USD trở lên. Trong nền kinh tế Việt Nam, các kỳ lân nghiễm nhiên được xem là những doanh nghiệp lớn.
4 kỳ lân – 2 lĩnh vực
4 kỳ lân công nghệ Việt hiện nay gồm VNG, Sky Mavis, VNLife và M_Service. Thế nhưng về lĩnh vực, tỉ lệ đang là 2/2.
VNG và Sky Mavis với cơ cấu doanh thu hiện nay vẫn đang được xem là những doanh nghiệp phát triển, kinh doanh, phân phối trò chơi trực tuyến (game online) là chủ yếu. Chỉ khác là, VNG có doanh thu game online chủ yếu từ mảng game truyền thống; còn Sky Mavis, doanh thu chủ yếu đến từ game NFT phát triển trên nền công nghệ blockchain đang trở thành trào lưu mới trên thị trường thế giới.
2 kỳ lân còn lại, một hoạt động mạnh về cổng thanh toán và một mạnh về ví điện tử, đều được xếp vào doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), lĩnh vực đang có sức nóng đầu tư tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, và cũng đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt. Trong đó, lĩnh vực ví điện tử có sự cạnh tranh còn diễn ra gay gắt hơn khi Việt Nam hiện tại đã cấp phép hoạt động cho trên dưới 30 ví.
Thêm mỗi kỳ lân là thêm niềm vui cho nền kinh tế, đặc biệt là sẽ tạo niềm cảm hứng nhiều hơn cho cộng đồng startup Việt. Tuy nhiên, việc 4 kỳ lân tập trung vào 2 lĩnh vực cũng cho thấy sự thiếu diện rộng về lĩnh vực hoạt động của những doanh nghiệp khởi nghiệp đang dẫn dắt.
Hay nói cách khác, các kỳ lân còn co cụm trong một, hai lĩnh vực vốn có sự cạnh tranh quyết liệt. Đơn cử như lĩnh vực ví điện tử, sự tập trung quá đông nhiều khi lại dẫn tới hệ lụy là “níu chân” nhau trên bước đường phát triển.
Kỳ vọng “giảm nghèo”
Vào tháng 11.2021, sàn thương mại điện tử Tiki đã công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series E với việc gọi thêm được 258 triệu USD. Với lượng vốn bổ sung mới này, Tiki được cho là đã cận kề trạng thái kỳ lân, được hiểu là giá trị doanh nghiệp xấp xỉ 1 tỉ USD.
Như vậy, danh sách kỳ lân tiếp theo được kỳ vọng sớm sủa nhất chính là Tiki thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, sẽ giúp “xóa nghèo” bớt về lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp kỳ lân công nghệ. Và xa hơn, có thể thêm những doanh nghiệp thương mại điện tử khác của Việt Nam.
Tuy nhiên, thế khó của Tiki chính là, cho dù doanh nghiệp này có đạt tới ngưỡng kỳ lân đi nữa thì cũng chưa chắc họ có thể trở thành doanh nghiệp dẫn dắt thị trường trong ngành hoạt động của mình.
Hiện nay trong ngành thương mại điện tử, “Big Four” gồm 4 cái tên là Lazada, Shopee, Tiki và Sendo đều có cơ hội tương đối ngang ngửa, và bất cứ sơ sẩy nhỏ nào của các đối thủ trong nhóm cũng chính là cơ hội cho đối thủ còn lại vượt lên. Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt.
Việt Nam từng trải qua một giai đoạn khan hiếm doanh nghiệp kỳ lân. Đó là, năm 2014 sau khi VNG đạt được trạng thái này, phải 5 năm sau vào 2019 mới có thêm kỳ lân công nghệ thứ 2 là VNLife. Như vậy, trong 3 năm từ 2019-2021, Việt Nam có thêm 3 doanh nghiệp kỳ lân vốn hóa tỉ USD.
Sự kỳ vọng Tiki sớm đạt ngưỡng kỳ lân không còn quá xa. Song câu hỏi là, sau Tiki là doanh nghiệp nào nữa thì hiện vẫn chưa "ló dạng" một cái tên khả dĩ và thực sự sáng giá.
Xem thêm: odl.361199-oehgn-nav-gnuhn-nal-yk-peihgn-hnaod-4-teiv-ehgn-gnoc-nal-yk/et-hnik/nv.gnodoal