Sẽ có chính sách để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Trong ảnh: đưa thiết bị cơ khí ra cảng để xuất khẩu của một doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: THANH HƯƠNG
Nếu chương trình được Quốc hội thông qua, dự kiến tăng trưởng GDP của nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt từ 6,5 -7%/năm.
Hỗ trợ doanh nghiệp, giúp công nhân có nhà
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, đề án phục hồi kinh tế gồm năm nhóm chính sách lớn. Thứ nhất, nhóm chính sách tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế.
Nhóm chính sách này có hai nội dung chính, đó là quan điểm thực hiện nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, và nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Nhóm giải pháp thứ hai là về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân các khu công nghiệp, với mục tiêu giữ chân lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ lao động quay trở lại các khu công nghiệp. Đồng thời sẽ thực hiện hỗ trợ các công nhân lao động làm việc tại các trung tâm kinh tế lớn bảo đảm cuộc sống lâu dài. Trong đó có các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi để mua nhà.
Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... như đã thực hiện trong thời gian qua. Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.
Nhóm giải pháp thứ tư là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tập trung vào kích cầu đầu tư công. Nhóm giải pháp này có ý nghĩa kép, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài, tạo ra kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030. Mục tiêu cao nhất của nhóm giải pháp kích cầu đầu tư công là hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Nhóm giải pháp thứ năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trình ổn định và kiểm soát rủi ro. Đây là nhóm giải pháp không tốn tiền nhưng rất quan trọng.
Công nhân sẽ được hỗ trợ để tăng khả năng ổn định chỗ ở. Trong ảnh: công nhân tan ca tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Quan trọng là triển khai
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực đánh giá năm giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế có tính bổ trợ cho nhau, trong đó ông Lực nhấn mạnh tới các giải pháp phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế an toàn, giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, kích thích đầu tư công, và đẩy mạnh cải cách thực chất về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.
"Ban hành các gói chính sách là cần thiết nhưng việc triển khai các gói chính sách nhanh, gọn, hiệu quả rất quan trọng" - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Về băn khoăn khi triển khai chương trình phục hồi, bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ không giải ngân hết, TS Cấn Văn Lực cho rằng bối cảnh hiện nay khác rất nhiều thời điểm 2009 - 2013, các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đều có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, thậm chí có địa chỉ, có dự án cụ thể. Các tính toán tác động của chương trình phục hồi cũng rất rõ ràng, không còn chung chung như giai đoạn trước.
Ông Lực lưu ý trước đây năng lực quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng cũng yếu nên dẫn đến lạm phát, tiền chảy sang kênh chứng khoán, bất động sản. Chương trình phục hồi kinh tế lần này chúng ta làm rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, hơn nữa với năng lực của nền kinh tế hiện nay, khả năng hấp thụ khoảng 300.000 tỉ đồng trong hai năm không phải là nhiều.
Ông Lực tin và kỳ vọng kinh nghiệm quản trị điều hành, năng lực hệ thống tài chính, ngân hàng cũng vững mạnh hơn.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Bởi đây là nền tảng cho sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Giải pháp này sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo nền tảng cho tăng trưởng, phát triển.
Bên cạnh đó, phải kiên định mở cửa nền kinh tế gắn với kiểm soát dịch bệnh, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Việc mở cửa kịp thời nền kinh tế gắn với tỉ lệ bao phủ vắc xin một cách dũng cảm là một biện pháp rất quan trọng với phục hồi phát triển kinh tế.
Cũng theo vị này, với các biện pháp hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ mang tính hỗ trợ phải hướng tới khu vực doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, bởi mỗi cuộc khủng hoảng như thế này sẽ là cuộc sàng lọc đau đớn nhưng cần thiết để nền kinh tế giữ lại năng lực cạnh tranh, những doanh nghiệp, khu vực có khả năng cạnh tranh, bứt phá. Chính sách hỗ trợ trong đề án không chỉ nhằm cứu doanh nghiệp mà còn hướng tới việc khôi phục năng lực cạnh tranh trong những năm tới.
Cuối cùng, gói hỗ trợ thể chế là quan trọng nhất. Tại kỳ họp lần này Chính phủ đã đề xuất Quốc hội ban hành một luật sửa tám luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhưng đây mới chỉ là một bước tập trung vào việc tháo gỡ các dự án đầu tư công, dự án thương mại nhà ở là chủ yếu.
"Doanh nghiệp có tiền nhưng vẫn vướng mắc về thể chế thì rất khó làm, nên đây là giải pháp đột phá trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch" - ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Các tác động chủ yếu của chương trình phục hồi kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021 - 2025.
- Bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.
- Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP bình quân hai năm 2022 - 2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm.
- Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, nhưng phấn đấu bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025 vẫn trong giới hạn 25% theo nghị quyết của Quốc hội.
- Lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022 - 2023 nhưng các dự án đầu tư công được triển khai sẽ góp phần tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, giảm thời gian và chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Chương trình cũng giúp tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Chương trình phục hồi kinh tế đưa định hướng: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong hai năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt.
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình.
Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho ngân sách.
TTO - Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, trong lễ trao giải Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 2 diễn ra tối 30-12. Sự kiện còn có sự tham dự của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Xem thêm: mth.41222557040102202-et-hnik-ioh-cuhp-it-nagn-mart-gnah-ihc/nv.ertiout