Cha mẹ hạnh phúc là tổ ấm yêu thương của con trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là kỷ niệm đau đớn mà tôi chưa bao giờ quên và chắc sẽ không bao giờ quên được dù tôi vẫn rất thương ba má mình.
Máu trong chén cơm
Hôm đó là bữa cơm trưa của gia đình, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 9 nên phải ăn vội để vào trường ôn thi thêm buổi chiều. Mâm cơm đã dọn lên, tôi và hai đứa em đã và cơm vào miệng thì ba má tôi lại lầm bầm, cãi cọ nhau chuyện tiền bạc, nợ nần như thường lệ.
Bất ngờ, ba dằn chén cơm xuống bàn đến vỡ toang. Má tôi trợn mắt nhìn ba, mắt như rực lửa. Anh em tôi điếng người, sợ hãi, hết nhìn ba rồi lại nhìn má.
Bốp! Bất ngờ miệng tôi đau buốt. Mắt tôi nổ đom đóm rồi tối sầm lại. Nhưng tai tôi vẫn nghe tiếng hét của má: "Không ăn lẹ đi, mày còn nhìn đực gì đó?".
Má mới tát tôi, cái tát trúng ngay miệng khi tôi vẫn chưa kịp nuốt cơm, hai chiếc răng cửa của tôi bị gãy văng xuống chén. Máu miệng chảy tràn ra những hạt cơm vẫn còn trong miệng và nhỏ xuống cả chén cơm tôi đang run rẩy cầm trên tay.
Mỗi lần ba má cãi cọ, đánh nhau là tôi hay bị đòn, nhưng lần này tôi bị đòn đau quá. Tôi như lịm đi trong nỗi đau đớn, buồn tủi.
Hai đứa em nhỏ thấy anh bị đòn, chảy máu miệng, sợ quá cũng khóc ầm lên và chúng lại phải "ăn" những cái đũa tre vào mông, vào vai, bắp chân và lằn đỏ cả trên má.
Tuổi thơ anh em chúng tôi lớn lên ở xóm biển nghèo Tiền Giang. Ba tôi từng có ghe cá, nhưng đi biển thất bát, sa cảnh nợ nần, rồi phải bán chiếc ghe là cần câu cơm duy nhất để trả nợ.
Từ ngày mất ghe, ba tôi phải đi bạn (làm thuê trên ghe cá) và tánh tình thay đổi hẳn. Nếu không lầm lì, ít nói hay ngồi uống rượu một mình thì ba cũng cãi cọ với má, chửi bới, đánh đập con cái.
Đặc biệt, ba từ ngày bị trượt té trên ghe cá, chấn thương cột sống không thể đi làm nặng được nữa thì ba ngày càng nóng nảy hơn. Mọi thứ bế tắc, buồn bực của ba như trút hết xuống đầu vợ con.
Má tôi từ người phụ nữ bình thường, phải một mình cáng đáng hết cuộc sống gia đình, lại chịu đựng những cơn "bốc hỏa" của ba tôi riết đến một ngày má cũng như... lây sự nóng giận, bạo lực của ba.
Không thể đánh được chồng thì má... đánh anh em chúng tôi. Những trận đòn bất ngờ, vô cớ, mà lúc còn nhỏ tôi cứ nghĩ do má nóng giận con cái hư nên phải răn dạy.
Sau này, lớn lên một chút, tôi lờ mờ hiểu dần má đánh các con như là đánh ba chúng, đánh như để hả giận, đánh như để trả thù người chồng cục súc và không thể lo được cho vợ con! Những đứa con nhỏ đã trở thành gián tiếp để ba má hành hạ, làm đau đớn nhau cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Nhà tôi có ba anh em, tôi là anh hai, đứa gái út mới 7 tuổi, em trai kế 9 tuổi, còn tôi thì đã vào lớp 9 ở tuổi 14. Cả ba anh em tôi đều bị đòn, nhưng tôi là đứa phải chịu đòn nhiều nhất, chắc ba má nghĩ tôi đã lớn nên chịu đòn đau được hay sao?
Thực ra, tôi cũng không nhớ tôi chịu đòn đau từ năm lên mấy tuổi nữa. Đầu tiên là ba đánh tôi từ khi tôi còn học tiểu học. Ông nổi nóng lên là đánh, vơ bất cứ cái gì gần mình để có thể vụt được vào đứa con ốm yếu hơn hẳn cái tuổi của nó.
Có lần, ông đánh tôi dập cả cán chổi lông gà phủi bụi bàn thờ, thậm chí có lần ông còn phang tôi bằng chính khúc tre cứng để gài cửa nhà.
Khúc tre già dài gần 2m, lớn hơn cổ tay tôi. Lần đó nếu không có bạn đi ghe cá với ba tình cờ đến chơi nhà, can kịp, thì tôi cũng không biết mình sẽ thế nào nữa.
Bé 5 tuổi bị người thân bạo hành dã man ở Bình Dương năm 2020 - Ảnh clip
"Mày là đồ vô dụng"
Ban đầu, ba chỉ hay đánh tôi khi ông say rượu. Nhưng khoảng khi tôi lên lớp 7 thì ba vẫn đánh tôi kể cả khi ông tỉnh táo, chưa hề uống ly nào. Hồi đầu, má còn can ngăn hoặc tìm cách che chở đòn roi cho chúng tôi.
Rồi khi ba hết làm việc được, má phải lao ra chợ xã buôn bán lặt vặt để kiếm sống và gần như buông mặc chúng tôi trước những trận đòn roi của ba.
Tôi nhớ lần đầu má đánh tôi là trong một tối cãi cọ tiền bạc và nợ nần căng thẳng với ba. Chúng tôi đứng lấp ló góc nhà, buồn tủi và sợ hãi nhìn ba má đang bừng lửa giận và trào ra những lời cực kỳ thậm tệ với nhau.
Bất ngờ má như quẫn trí, nhào lại tát tôi một cái đau điếng vào giữa mặt, em kế tôi cũng bị má tát vào mặt, chỉ có đứa em gái út là má đánh vào mông.
Bà vừa đánh chúng tôi vừa la hét, khóc lóc: "Trời ơi, tao hết khốn khổ khốn nạn với cha bay rồi lại tới tụi bay. Sao không đi ngủ đi còn đứng đực ra đó làm gì nữa".
Ba đứng nhìn cảnh đó, không hề can má đánh chúng tôi mà lại càng la hét dữ tợn hơn. Lửa giận dữ bùng lên với vợ đã làm ông mụ mị đầu óc...
Từ ngày ba không đi làm gì được nữa, càng ngày nhà tôi lún sâu trong nghèo khổ. Và chúng tôi bị ăn đòn nhiều hơn, mà thằng phải lãnh những cái bạt tai, roi vọt nhiều nhất chính là tôi. Ba bất lực cuộc sống, ngày càng thu mình lại, im lìm bên ly rượu.
Mỗi khi ông mở miệng y như rằng không cãi nhau với má thì cũng la mắng, đánh đập chúng tôi, rồi tiếp theo là cả những tiếng la hét, khóc lóc, bạt tai của má. Bàn tay mềm mại, yêu thương của má ngày nào dần dần trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh với chúng tôi mỗi khi bà giơ lên.
Năm tôi vào học lớp 9, bắt đầu đã bị ba chửi "mày là đồ vô dụng" và càng ngày câu chửi con nghiệt ngã này càng trút lên đầu tôi nhiều hơn. Từ những câu ngắn bất chợt trong cơn tức giận, ba tôi dần lè nhè nói dài, chì chiết nặng nề: "Mày là đồ vô dụng, phải chi mày được bằng một phần mười ba mày ngày xưa thì tao đã đỡ khổ".
Ban đầu, tôi cũng bất ngờ, nghĩ rằng mình chưa làm đủ việc để đỡ đần ba má dù hầu như chỉ có một tay tôi chăm đàn gà vịt và mảnh vườn nhỏ sau nhà để má chạy chợ nuôi gia đình.
Về sau, lớn thêm một chút, tôi thầm hiểu ba không chửi tôi, mà như có ý nói cho má nghe, muốn nói rằng khi ba còn khỏe, còn đi làm được, ba đâu bất lực để vợ con chịu khổ thế này...
Khi tôi may mắn lên được đại học ở TP.HCM, phải đi học xa nhà trong muôn vàn khó khăn, túng thiếu, tôi bắt đầu dần hiểu rõ tình cảnh gia đình mình, hiểu rõ tại sao nhà tôi hay lớn tiếng nhất xóm và chúng tôi hay bị ăn đòn nhiều hơn bạn bè trang lứa.
Chính cảnh khổ cực và nợ nần đã làm ba má tôi bị ức chế tâm lý và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Tất nhiên, có lẽ không phải ai nghèo cũng dẫn đến hệ quả bạo lực gia đình. Tôi đã thấy rất nhiều nhà không khá giả gì, vẫn giữ được ấm êm, yêu thương con cái. Nhưng riêng ba má tôi thì hình như không thoát ra được vòng luẩn quẩn nghèo khổ - ức chế - bạo lực gia đình này...
Tôi sẽ không để con mình lại bị vòng luẩn quẩn đòn roi
Càng trưởng thành, tôi càng thấu hiểu và thương ba má mình. Đấng sinh thành dù không kiềm chế được nóng giận, có mắng chửi, đánh đập chúng tôi, nhưng tôi hiểu sâu thẳm trong lòng ông bà đã cố gắng chịu đựng khổ sở, lo cho các con không phải hụt bữa ăn nào, không phải mặc manh áo rách, vẫn được đến trường lớp như con người ta. Ngày tôi lên TP.HCM học, ba má đã đi mượn thêm nợ để mua cho tôi chiếc xe máy đến trường.
Chiếc xe ấy giờ đã cũ nát nhưng tôi vẫn giữ bên mình, để nhắc nhớ tình cảnh gia đình mình, để nhắc nhớ tình yêu thương với con cái và tránh xa cái vòng luẩn quẩn roi vọt mà mình đã phải hứng chịu.
*****
Nhiều người kể rằng khi can ngăn cha mẹ đánh đập con cái, lại bị họ chửi vào mặt "đừng xía chuyện tao dạy con", thậm chí còn bị vạ lây.
>> Kỳ tới: "Đừng xía chuyện tao dạy con"
TTO - Năm 12 tuổi, tôi bị bố đánh chảy máu, phải đi khâu. Ngày ấy, nó là vết thương. Lớn lên, nó là vết sẹo. Vết sẹo thể xác và cả vết sẹo tâm hồn.