Ngay sau khi khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Theo tờ trình, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.
Thứ nhất, Chính phủ, đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Thứ hai, chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Cuối cùng là Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.
Giảm lãi suất cho vay
Chi tiết hơn về chương trình, theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, về giải pháp tài khoá sẽ có tổng quy mô 291.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng; Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022…
Về giải pháp tiền tệ, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm.
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất.
Tăng bội chi ngân sách
Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đề nghị cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Ngoài ra, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Đến năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.
Chính phủ cũng đề xuất miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách Nhà nước tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240.000 tỷ đồng).
Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19.
Chính phủ cũng đề xuất tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023.
Ngoài ra, trong quá trình điều hành chính sách hỗ trợ đầu tư công, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình trong 2 năm 2022-2023, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án điều chỉnh, phân bổ linh hoạt vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24934220140102202-gnod-yt-000053-nag-et-hnik-ioh-cuhp-iog-ioh-couq-hnirt/et-hnik/nv.vtv