Sáng 4/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa uỷ quyền Chính phủ đọc tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm tới (2022 - 2023) gần 340.000 tỷ đồng.
Ứng với từng nhiệm giải pháp, chương trình sẽ gồm chi cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh khoảng 60.000 tỷ đồng.
Khoản chi cho bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là 53.150 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh khoảng 110.000 tỷ. Khoảng 113.850 tỷ đồng sẽ được dùng để phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra chương trình còn huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng.
Giải pháp tài khoá với tổng quy mô 291.000 tỷ đồng, gồm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua tăng bội chi 240.000 tỷ đồng; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021 hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động 6.600 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp năm 2022 là 6.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng chính sách xã hội là 38.400 tỷ đồng...
Chính sách tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất...
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chương trình lần này có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu và sẽ xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực. Chương trình với những giải pháp được thiết kế có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, tăng năng suất cạnh tranh, tính tự chủ nền kinh tế trong trung, dài hạn.
Ngoài ra, chương trình này cũng sẽ giúp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng với mục tiêu bình quân 6,5 - 7% một năm trong 5 năm tới.
Thẩm tra tờ trình Chính phủ sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần làm rõ hơn quy mô của các chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu... Chẳng hạn, phân tích rõ hơn về nhận định "tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% năm 2022 và 0,2% năm 2023" có phải so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội thông qua tại Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội hàng năm hay không.
Cơ quan thẩm tra cũng muốn rõ hơn tác động tới lạm phát, nợ xấu của các chính sách này. "Cần tính toán kỹ dư địa chính sách trong thời gian triển khai chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia", ông Thanh lưu ý.
Để có nguồn lực thực hiện chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội, Chính phủ trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách, với tổng số tiền 24.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023).
Trong đó, mức bội chi năm 2022 dự kiến tăng lên 5,08% GDP, tức tăng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách 2022 đã được Quốc hội thông qua. Số tiền ước tăng khoảng 102.800 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm đã được Quốc hội phê duyệt và kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.
Ngân sách Nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn, ví dụ nguồn từ kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước hàng năm. Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho phòng, chống dịch được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản được đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp là tiền mặt hoặc hiện vật hỗ trợ.
Trước đề xuất này của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, phần lớn các ý kiến của Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra cho rằng, huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Chưa kể, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro như giá kit test xét nghiệm hoặc giá trị tài trợ thông qua vật tư, thiết bị y tế bị đẩy giá lên cao thời gian vừa qua... Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, cũng có ý kiến việc cho phép loại trừ chi phí ủng hộ phòng, chống Covid-19 và không tính thuế thu nhập doanh nghiệp khoản chi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục ủng hộ, huy động thêm nguồn lực chống dịch. Vì thế, các ý kiến này đồng tình với đề xuất của Chính phủ, nhưng chỉ những khoản hỗ trợ bằng tiền mới được loại trừ, không tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thanh, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Bởi, những biện pháp hỗ trợ thông qua thuế sẽ có tác dụng ngay đến doanh nghiệp và người dân.
Nhiều ý kiến đề nghị tăng thuế với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.
Chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết này.
Anh Minh