Được phát triển trên nền tảng Binance Smart Chain bởi một nhóm phát triển ẩn danh, CryptoBike thuộc thể loại Click-to- Earn (click chuột để nhận token) với lối chơi khá đơn điệu. Theo đó, CryptoBike cũng sử dụng cơ chế loot box, vốn yêu cầu người chơi phải đầu tư một số tiền ban đầu để mua những hộp quà có chứa vật phẩm NFT (xe đạp) trong game. Người chơi sau đó dùng chính vật phẩm NFT này tham gia trò chơi và nhận về phần thưởng là token của game.
Đáng nói, mặc dù không được chăm chút về gameplay và đồ họa, CryptoBike vẫn thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư tham gia nhờ ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) lớn, khả năng hồi vốn nhanh. Theo số liệu từ Coinmaketcap, khối lượng giao dịch trong ngày của CryptoBike đã có thời điểm đạt mốc 41,6 triệu USD, dù mới chỉ ra mắt từ 25/12/2021.
Tuy nhiên, vào thời điểm trưa ngày 1/1/2022, giá trị của CB (token của CryptoBike) bất ngờ giảm tới 42 lần, từ mức 0,81 USD/ xuống 0,019 USD chỉ trong vài phút. Nguyên chính của đà lao dốc này tới từ việc một số địa chỉ ví đã đặt lệnh bán ra thị trường 6 triệu token CB (tương đương 60% tổng cung dự án), với giá trị lên tới gần 1,4 triệu USD.
Theo số liệu được ghi nhận từ PooCoin Charts, giá trị của CB (token của CryptoBike) bất ngờ giảm tới 42 lần chỉ trong vài phút. (Ảnh chụp màn hình)
Ngay sau khi vụ việc trên diễn ra, nhóm phát triển CryptoBike đã đăng đàn khẳng định đây là số token được dùng để trả thưởng cho người chơi, nhưng đã bị hack và bán tháo ra ngoài thị trường. Đại diện nhóm phát triển này cũng hứa hẹn "sẽ sớn kiểm tra và xử lý vụ việc".
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy hoang mang khi một loạt các kênh cộng đồng trên Telegram của CryptoBike đã bị nhóm quản lý chặn bình luận, trong khi website chính của dự án này không thể truy cập.
"Sau khi truy theo nguồn gốc của địa chỉ ví thực hiện việc bán tháo, nhiều người đã phát hiện ra các ví này có liên quan đến đội ngũ phát triển. Vào lúc này, hầu hết những người bỏ tiền vào CryptoBike như mình mới nhận ra đây là một dự án lừa đảo. Nhóm phát triển đứng sau dự án đã ôm tiền cao chạy xa bay", Nguyễn T.G, một nhà đầu tư CryptoBike tại TP.HCM 'cay đắng' chia sẻ. Không chỉ riêng các nhà đầu tư Việt, một lượng không nhỏ các nhà đầu tư cá nhân ở nước ngoài, đơn cử như từ Nam Mỹ, cũng bị thiệt hại không nhỏ khi đầu tư vào CryptoBike.
Bị lừa, nhà đầu tư Việt săn lùng danh tính nhóm phát triển
Theo một số chuyên gia tiền điện tử có kinh nghiệm, các nhà đầu tư cá nhân thường rất khó truy tìm được danh tính những nhóm phát triển ẩn danh đứng sau các dự án tiền điện tử lừa đảo. Tuy nhiên, với riêng trường hợp của CryptoBike, vụ việc này đang có những diễn biến rất bất ngờ. Bằng nhiều cách khác nhau, một số nhà đầu tư đã 'truy vết' thành công được danh tính nhóm phát triển đứng sau CryptoBike, vốn được cho là đang sinh sống và làm việc ngay tại Việt Nam, thay vì ở Mỹ như chính nhóm này tự nhận trước đó.
Cụ thể, Solidproof - một đơn vị chuyên kiểm toán và xác minh danh tính blockchain vốn từng hợp tác với CryptoBike, đã công bố danh tính của người đại diện nhóm phát triển sau khi dự án này bị cộng đồng cáo buộc có dấu hiệu lừa đảo. Theo đó, người này có tên là N.V.L, hiện đang là một lập trình viên sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
Một số cá nhân liên quan tới vụ việc khẳng định mình chỉ được thuê ngoài, và không liên quan tới vụ việc lừa đảo nhà đầu tư. (ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, ngay sau khi bị 'chỉ mặt điểm tên", lập trình viên này đã đăng tải lên trang cá nhân một loạt bằng chứng về việc mình chỉ được thuê ngoài (outsource) để phát triển CryptoBike, và không liên quan tới đội ngũ thực hiện quyết định bán tháo. Dựa theo thông tin được cung cấp bởi N.V. L, các nhà đầu tư cuối cùng cũng tìm thêm được danh tính của của các cá nhân thực sự đứng sau điều hành dự án CryptoBike. Tất cả những người này được cho là đang quản lý một quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture capital) tại Việt Nam.
Một điểm rất đáng lưu ý, trước sức ép liên tục từ trên mạng lẫn ngoài đời của cộng đồng nhà đầu tư, vào ngày 2/1, phía CryptoBike đã bất ngờ phải mở lại bình luận trong nhóm Telegram, đồng thời tuyên bố sẽ hoàn trả 70% số tiền đã bỏ vào dự án cho nhà đầu tư bị lỗ. Tất nhiên, đây mới chỉ là tuyên bố 1 chiều từ phía các cá nhân này.
Tuyên bố của nhóm đứng sau dự án CryptoBike sau khi bị 'hăm dọa' bởi cộng đồng nhà đầu tư CryptoBike.
Cần nói thêm rằng, những trường hợp giống như CryptoBike không hiếm gặp, trong bối cảnh các dự án GameFi ngày càng nở rộ tại Việt Nam cũng như thế giới. Đây chính là nhận định có phần chua chát của không ít nhà đầu tư GameFi tại Việt Nam.
"Các nhà đầu tư vào các dự án GameFi không lạ trước tình trạng một lượng rất, rất lớn token được xả mạnh ra thị trường trong một thời gian cực ngắn, khiến giá trị của đồng token lập tức chia 3, chia 5, thậm chí chia 10 chỉ trong vòng vài tiếng. Đáng nói, khi bị nhà đầu tư chất vấn, nhóm phát triển thường đưa ra các lý do rất quen thuộc như 'bị hack ví"; "các hacker đã xả một lượng lớn token lên sàn" để đổ lỗi. Theo cá nhân tôi, đây thực chất chỉ là cách để nhóm phát triển lấp liếm việc 'xả trộm' token nhằm hồi lại số tiền đã đầu tư cũng như để kiếm lợi nhuận", anh Đỗ Đức Tùng (Hà Nội) một nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư vào các dự án GameFi phân tích.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Anh Việt
Pháp luật và Bạn đọc