Ngày 4-1, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của các nước này, theo hãng tin AFP.
“Trung Quốc luôn áp dụng chính sách không là bên sử dụng (vũ khí hạt nhân) đầu tiên và duy trì khả năng hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia…Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình vì các vấn đề về độ tin cậy và an toàn” - ông Phó Thông, Tổng Giám đốc cơ quan kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo ngày 4-1.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được nhìn thấy trong cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 1-10-2019. Ảnh: AFP
Lo ngại về việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội vẫn đang tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt sau khi các quân đội Trung Quốc hồi năm ngoái thông báo đã phát triển một loại tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Mỹ cũng từng cho biết Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân, có thể sẽ có 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027, và con số này đến năm 2030 có khả năng sẽ là 1.000.
Tại cuộc họp báo, ông Phó đáp trả mạnh các cáo buộc từ phía Mỹ.
“Về những khẳng định của Mỹ rằng Trung Quốc đang gia tăng đáng kể khả năng hạt nhân, điều này sai sự thật” – ông Phó tuyên bố.
Ông Phó cho rằng Mỹ và Nga - hiện vẫn là hai nước sở hữu lượng vũ khí hạt nhân nhiều nhất nhì thế giới – cần có bước đi đầu tiên về giải trừ hạt nhân.
“Mỹ và Nga vẫn sở hữu 90% lượng đầu đạn hạt nhân trên trái đất. Họ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của họ theo cách không thể đảo ngược và có ràng buộc về pháp lý” – theo ông Phó Thông.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã và đang căng thẳng vì một loạt vấn đề, trong đó có liên quan vấn đề Đài Loan, đặc biệt khi Trung Quốc tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nhằm tái thống nhất Đài Loan nếu cần thiết.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo ông Phó bác bỏ những đồn đoán về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân gần eo biển Đài Loan: “Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tối thượng, chúng không dùng cho chiến tranh hay giao tranh”.
Ông Phó có phát ngôn này chỉ một ngày sau khi Trung Quốc và 4 cường quốc thế giới – Mỹ, Anh, Pháp, Nga – cùng ra tuyên bố chung cam kết tránh sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột và đặt mục tiêu tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Theo AFP, lời nói và thực tế khó có thể khớp nhau khi căng thẳng giữa các cường quốc vẫn cao. Trong tuyên bố chung, 5 cường quốc cũng để mở khả năng vũ khí hạt nhân “sẽ chỉ phục vụ cho các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh”.