"Cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nên tổng mức chi tiêu mua sắm được ghi nhận qua nền tảng thanh toán của chúng tôi tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức thanh toán khác nhau", đại diện Payoo cho biết.
Payoo là một nền tảng thanh toán đã liên kết với hơn 20.000 điểm thanh toán trên toàn quốc, thanh toán trên 400 loại hóa đơn dịch vụ tính đến cuối năm 2021. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt gần 100.000 tỷ đồng/năm.
Dựa trên dữ liệu, thống kê và các phân tích trung bình 3 tháng cuối năm 2021, Payoo cho biết có 4 điểm nổi bật trên thị trường thanh toán. Cụ thể:
Người dùng chuộng trả góp
Payoo cho biết 2 phương thức thanh toán được người dùng ưa chuộng hơn là trả góp và thanh toán QR Code. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của giao dịch trả góp đạt mức tăng trưởng hơn 50%/ tháng và QR Code tăng hơn 30%/tháng.
Trả góp được ưa chuộng vì đây là phương thức thanh toán tiện lợi, chia nhỏ số tiền thanh toán thành nhiều kỳ khác nhau giúp người dùng linh hoạt quản lý tài chính cá nhân. Số lượng doanh nghiệp triển khai thanh toán trả góp cũng gia tăng đáng kể khiến hình thức thanh toán này ngày càng phổ biến.
Trong khi đó, góp phần vào sự tăng trưởng của hình thức thanh toán bằng mã QR một phần đến từ việc đẩy mạnh phát triển hệ thống mobile banking từ các ngân hàng cũng như thanh toán quét mã QR từ ví điện tử, một phần khác đến từ việc người dùng dần hạn chế các phương thức thanh toán có tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.
Thanh toán thẻ quốc tế chiếm ưu thế
Xét về tỷ trọng giữa các hình thức thanh toán, nếu như thời cao điểm dịch bệnh, thanh toán bằng thẻ nội địa chiếm đến hơn 50% thì đến hiện tại, tỷ trọng thanh toán qua thẻ quốc tế lại chiếm hơn 60%.
Một trong những nguyên do là trong dịch, các giao dịch mua thực phẩm, nhu yếu phẩm chủ yếu đến từ những người dùng cơ bản, thanh toán bằng thẻ nội địa. Khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mở cửa ồ ạt và tầng lớp thu nhập cao bắt đầu ra ngoài chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến tỷ trọng thanh toán bằng thẻ quốc tế tăng cao. Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm các tổ chức thẻ tích cực tổ chức chương trình khuyến mãi.
Giá trị đơn hàng online tăng trung bình đến 20%
Dịch Covid cũng làm thay đổi thói quen mua hàng của nhiều người. Trước đây, người dùng thường mua hàng hóa online với giá trị nhỏ nhưng với thói quen mua hàng mới hình thành trong dịch, giá trị trung bình mỗi đơn hàng online đã có mức tăng đến 20% so với trước.
Cá biệt với một số đối tác thuộc lĩnh vực nội thất, thẩm mỹ thậm chí có giá trị giao dịch tăng gấp 2 so với giữa năm.
F&B và giáo dục chuyển đổi số mạnh mẽ nhất. Thời trang, làm đẹp bứt tốc cuối năm
Hai ngành hàng thay đổi tức thì trong và sau đại dịch gồm F&B và giáo dục. Đây là nhóm ngành có tỷ trọng kinh doanh trực tiếp cao hơn trực tuyến nên khi đại dịch xảy ra, hai nhóm này cũng bị ảnh hưởng nặng nhất.
Sự chuyển dịch được thể hiện thông qua việc nhanh chóng phát triển các nền tảng kinh doanh và thanh toán online qua website, ứng dụng di động hoặc tích hợp các giải pháp cấp tốc khác nhằm đa dạng hóa dòng doanh thu. Về phía người dùng cũng nhanh chóng quen thuộc và phản hồi tích cực với hình thức mới, giúp các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
3 tháng cuối năm, các nhóm ngành thời trang, trang sức vàng bạc, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đang tăng trưởng mạnh. Nhóm Trung tâm thương mại (nơi tập trung nhiều cửa hàng thuộc các nhóm trên) cũng tăng tốt khoảng 15 – 20%/tháng.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị