Chiều 4-1, luật sư bào chữa cho ông
Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc, thành viên HĐTV
IPC, chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) trong vụ sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - gọi tắt là SADECO.
Luật sư cho rằng VKS chưa ghi nhận một số chứng cứ khi luận tội liên quan đến hành vi bán rẻ 9 triệu cổ phần. Luật sư lập luận phần vốn IPC đầu tư vào SADECO không phải vốn nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp nhà nước (IPC) đầu tư vào doanh nghiệp khác. Quan điểm của luật sư IPC không phải là "công ty mẹ" của SADECO.
Vì sau ngày 26-3-2015, SADECO không còn là "công ty con" thuộc IPC nên có quyền tự quyết từ thời điểm đó. Kinh doanh bất động sản nên SADECO đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp thông qua phương án chào bán thêm cổ phần cho cổ đông chiến lược. Và tại đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền, IPC trình bày rõ ràng ưu, nhược phương án trên cũng như giá trị mỗi cổ phần. Tức là, đã báo cáo công khai mọi thông tin, không hề giấu kết quả định giá cổ phần. Cạnh đó, luật sư đề nghị HĐXX sơ thẩm xem xét lại thiệt hại trong vụ án.
Bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận hành vi phạm tội. Ảnh: H.YẾN
Bất ngờ, bị cáo Dũng có ý kiến và được HĐXX cho phát biểu. Ông Dũng cho rằng rất chăm chú lắng nghe bào chữa của luật sư và ghi nhận những nỗ lực của luật sư. Tuy nhiên bị cáo tôn trọng kết luận cơ quan tố tụng về sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO. Vì thế, bị cáo đề nghị luật sư bào chữa không
tranh tụng các vấn đề về hành vi này vì không cần thiết mà tập trung tranh tụng về tình tiết giảm nhẹ.
Liên quan đến tội danh tham ô, luật sư khác của ông Dũng cho là thân chủ đã khắc phục hơn 6 tỉ đồng trước lúc cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Từ đó đề nghị HĐXX vận dụng
Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cho bị cáo Dũng được hưởng chế độ khoan hồng miễn hình phạt không thì được mức án nhẹ hơn đề nghị của VKS.
Tự bào chữa, ông Dũng tha thiết nói bản thân thừa nhận tội, chỉ mong được xem xét thêm. Trong suốt cuộc đời đi làm, ông chưa hề tính toán tư lợi hay vụ lợi. Bản thân ông luôn cố gắng để làm tốt mọi việc nhưng không ngờ nay sai sót nghiêm trọng vậy.
“Bị cáo không cố tình phạm tội, không cố ý che đậy hành vi sai phạm. Bị cáo chia sẻ không đẩy trách nhiệm cho cấp trên hay đùn cho cấp dưới”, ông Dũng nói.
Đại diện VKS ghi nhận bị cáo Dũng thành khẩn và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Ảnh: H.YẾN
Trước đó, VKS xác định với vai trò Chủ tịch HĐQT SADECO, đã tổ chức nhiều cuộc họp và ký nghị quyết thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Bị cáo Dũng biết việc chuyển nhượng cổ phần có vốn Nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường. Tuy nhiên, Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không qua đấu giá gây thiệt hại cho tài sản cho tài sản Nhà nước hơn 669 tỉ đồng.
Ngoài ra, Dũng còn đề ra chủ trương, chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc
SADECO) và cấp dưới tổ chức chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi "tham quan, khảo sát" trái quy định, gây thất thoát hơn 2,1 tỉ đồng của Nhà nước.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐQT Dũng và cựu tổng giám đốc SADECO cùng các thành viên HĐQT đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỉ.
Quá trình xét xử, ông Dũng thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi và đồng ý tội danh bị truy tố, ăn năn hối cải. Số tiền tham ô không sử dụng chi tiêu cá nhân mà chi thăm hỏi, từ thiện (có giấy xác nhận) và đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền chiếm hưởng, gia đình có nhiều cống hiến… Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Dũng 11-12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội tham ô tài sản, tổng hợp 20-22 năm tù.
Ngày 5-1, phiên tòa tiếp tục.