Ngày 4-1, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường để quyết những vấn đề cấp bách, trong đó có nội dung xem xét thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết nếu Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ được thông qua thì đó thực sự là đòn bẩy để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, không chỉ cho TP Cần Thơ mà là cho cả vùng.
Phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể khái quát việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP Cần Thơ đến thời điểm này?
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường
+ Ông Trần Việt Trường (ảnh): Năm 2020, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ, Bộ Chính trị đánh giá TP đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng bảy lần so với năm 2005; GRDP đạt mức 88,3 triệu đồng/năm, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL.
Cần Thơ là đô thị loại I, hướng tới là đô thị hạt nhân, kết nối vùng và liên vận quốc tế, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, thời gian qua, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp, giao thông chưa hiện đại... Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Chính phủ có Nghị quyết 98/NQ-CP đặt ra hàng loạt chỉ tiêu về tăng trưởng, GRDP...
Vì vậy, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ chính là cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 59-NQ/TW.
Cần Thơ xin cơ chế, chính sách đặc thù Theo tờ trình của Chính phủ, có tám nội dung cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ, trong đó sáu nội dung đã áp dụng cho một số địa phương, hai nội dung là chính sách mới lần đầu thí điểm, không chỉ cho Cần Thơ mà mang tính toàn vùng. Cụ thể, có ba nội dung thí điểm về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, còn lại là về quản lý đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ và chuyên gia, nạo vét luồng Định An, trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… |
. Nhưng từ năm 2018, Chính phủ đã có một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý cho TP Cần Thơ, kết quả của chính sách này như thế nào, thưa ông?
+ Năm 2018, Chính phủ có Nghị định 103/2018/NQ-CP để phát triển TP Cần Thơ như các chủ trương trước đó.
Sau khi có nghị định, trung ương quan tâm, bổ sung nguồn lực cho Cần Thơ nhiều hơn, như bổ sung vốn ODA để có vốn đầu tư các dự án trên địa bàn.
HĐND TP Cần Thơ cũng ra Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... nhưng mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ thành đô thị trung tâm vùng, là động lực phát triển của vùng thì nhu cầu huy động các nguồn lực đầu tư là rất lớn, cùng một số cơ chế khác, Cần Thơ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ là cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư do ảnh hưởng bởi Luật Ngân sách và những biến động phức tạp khác, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.
Vì vậy, để TP Cần Thơ thành đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước, việc xem xét ban hành nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là phù hợp...
TP Cần Thơ được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH
Nghị quyết sẽ là đòn bẩy để phát huy tiềm năng
. Như ông nói, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ tạo ra những động lực để Cần Thơ phát triển?
+ Theo Nghị quyết 59-NQ/TW, năm 2030, Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, GD&ĐT, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL... Định hướng đến năm 2045, Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các TP phát triển khá ở châu Á.
Để đạt mục tiêu trên, việc thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ là đòn bẩy, có ý nghĩa quan trọng để Cần Thơ phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nhất là vị trí chiến lược của địa phương.
TP Cần Thơ kỳ vọng cùng với Nghị quyết 59-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ và Nghị quyết thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ sẽ khắc phục các hạn chế, những điểm nghẽn thời gian qua để Cần Thơ bứt phá phát triển nhanh và bền vững.
. Xin cám ơn ông.
Theo dòng thời sự Cơ chế cho Cần Thơ, kỳ vọng của đồng bằng Sau TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác được Quốc hội ra Nghị quyết thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù thì đến lượt Cần Thơ được xem xét để thông qua. Việc này nằm trong định hướng mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã xác định là xây dựng Cần Thơ thành một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong… Điều này đáp ứng sự mong đợi không riêng của người dân Cần Thơ mà là của vùng ĐBSCL, đó là thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và cả nước, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Những đề xuất mà Chính phủ đang trình cho Quốc hội gồm nhiều lĩnh vực nhưng điều lớn hơn là trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương. Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần chứ chưa thể coi là chiếc đũa thần đảm bảo cho sự phát triển như kỳ vọng, mà cái chính là yếu tố con người. Phải có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung mới có thể lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các cơ chế, chính sách ấy một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Cần Thơ vẫn cần điều kiện nữa là mạnh dạn tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, nhất là các thủ tục đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước… để loại bỏ những thủ tục rườm rà, nhiều thang nấc, những “điểm nghẽn” trong việc thực thi cơ chế, chính sách đặc thù được trao. Cần Thơ nằm ở vị trí giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL là trục hành lang TP.HCM - TP Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng) nên việc trao cơ chế và chính sách đặc thù cho Cần Thơ chính là cho cả vùng ĐBSCL. Chính vì vậy cũng cần đầu tư nguồn lực, phân bổ cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phải là tầm mức của vùng, dự án phải có tính kết nối và lan tỏa... Là địa phương đầu tiên của vùng ĐBSCL được xem xét để ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế và chính sách đặc thù trong bối cảnh cả nước vẫn đang đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cho thấy sự ưu ái, kỳ vọng rất lớn dành cho Cần Thơ. Không chỉ người dân ở vùng ĐBSCL mà là cả nước mong muốn nghị quyết khi thông qua sẽ là cú hích, tạo sức lan tỏa, kích thích và dẫn dắt các địa phương trong vùng cùng phát triển, hướng đến một châu thổ phát triển bền vững, đời sống người dân đủ đầy và trách nhiệm này không hề nhẹ! GIA TUỆ |