Trung Quốc thống trị ngành pin xe điện toàn cầu
Khi đại dịch toàn cầu xảy ra, nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới CATL - một công ty Trung Quốc hiện có giá trị hơn cả General Motors và Ford cộng lại - đột nhiên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng truyền thông lớn.
Một đối thủ của công ty này đã đăng một đoạn video cho rằng công nghệ được sử dụng bởi công ty CATL và các nhà sản xuất khác có thể gây cháy xe. Cụ thể, đoạn video đã mô phỏng một bài kiểm tra an toàn cháy nổ ở Trung Quốc với hình thức thí nghiệm là đâm một chiếc đinh xuyên qua một cục pin ô tô điện. Cục pin phát nổ và cháy lớn.
Bài kiểm tra cho đinh đâm xuyên qua pin xe điện (nail-test). Ảnh minh họa 2 loại pin khác nhau.
Theo The New York Times, các quan chức Trung Quốc đã hành động nhanh chóng, loại bỏ bài kiểm tra đâm đinh và đáng chú ý, chính CATL cũng là bên tham gia soạn thảo điều luật mới.
Sự thay đổi trong điều luật cho thấy chiến lược mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc đầu tư mũi nhọn cho ngành pin xe điện. CATL hiện đã cung cấp pin cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, bao gồm G.M., Volkswagen, BMW và Tesla. CATL đã nổi lên như một trong những hãng thắng lớn nhất khi thế giới bùng nổ về xe điện, cùng với Tesla.
Một nhà máy sản xuất ô tô điện do một công ty Trung Quốc điều hành ở Hợp Phì, Trung Quốc. Ảnh: Keith Bradsher / The New York Times
Gã khổng lồ ngành pin đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ xanh mà hiện Trung Quốc đang thống trị toàn cầu. Các công ty Trung Quốc, đặc biệt là CATL, đã có nguồn cung nguyên liệu thô đảm bảo để sản xuất pin.
Sự thống trị của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo sợ rằng một ngày nào đó ngành pin ở Mỹ trở nên lỗi thời và Bắc Kinh có thể "kiểm soát" xe cộ của người Mỹ trong thế kỷ 21 theo cách mà các quốc gia sản xuất dầu đã từng kiểm soát thế giới trong thế kỷ 20.
Xây dựng nhà máy CATL ở khu Cheliwan ở Ninh Đức. Đây là một trong tám nhà máy mà CATL đang xây dựng.
CATL không thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, nhưng các nhà đầu tư có mối quan hệ với Bắc Kinh đã giữ cổ phần trong quá trình phát triển của nó.
Bill Russo, cựu giám đốc của Chrysler tại Trung Quốc, hiện là cố vấn ô tô điện tại Thượng Hải, đánh giá: "Trung Quốc từng hụt hơi trong cuộc đua động cơ đốt trong, Còn bây giờ, Mỹ khó lòng đuổi kịp trong trò chơi xe điện".
Nổi lên từ bóng tối
Robin Zeng, người sáng lập và chủ tịch của CATL, là một trong những người đàn ông giàu có nhất ở châu Á.
Khi Tesla và Elon Musk trở thành đại diện tiêu biểu cho sự bùng nổ ô tô điện, thì cái tên CATL - tên pháp lý bằng tiếng Anh là Contemporary Amperex Technology Company Limited - vẫn chìm trong bóng tối.
Người sáng lập và chủ tịch của công ty, Robin Zeng, là một trong những người đàn ông giàu có nhất ở châu Á, với tài sản khoảng 60 tỷ USD.
Sau khi học kỹ thuật hàng hải tại một trường đại học Thượng Hải, ông Zeng đã đến làm việc về pin cho TDK, một công ty Nhật Bản ở Trung Quốc. Năm 1999, ông cùng các chuyên gia hóa học về pin thành lập công ty riêng cung cấp pin lithium-coban cho điện thoại di động, máy quay phim và các thiết bị điện tử dân dụng cầm tay khác. Nhóm nghiên cứu đã bán công ty cho TDK vào năm 2005 với giá 100 triệu USD và tiếp tục điều hành nó như một công ty con.
Địa điểm xây dựng nhà máy pin CATL ở Ninh Đức. BMW là khách hàng chính đầu tiên của công ty. Ảnh: Qilai Shen / The New York Times
Công nhân xây dựng tại một trong những nhà máy CATL đang xây dựng ở Ninh Đức. Công ty có vốn hóa thị trường gần 240 tỷ USD. Ảnh: Qilai Shen / The New York Times
Chính phủ Trung Quốc, từ lâu đã xác định pin là một ngành công nghiệp chiến lược, vào năm 2011 đã thực hiện một số động thái để thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa.
Đáng chú ý nhất, Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài muốn bán ô tô điện ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ quan trọng cho một công ty địa phương. Chỉ khi đó, chính phủ mới đồng ý cho các công ty nước ngoài bán ô tô ở thị trường Trung Quốc.
TDK đã cho phép một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc do ông Zeng đứng đầu mua 85% cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh pin ô tô điện còn non trẻ của hãng vào cuối năm 2011. Nhóm này được gọi là CATL. BMW, khách hàng chính đầu tiên của hãng, trước đó chủ yếu mua pin từ A123, một nhà cung cấp pin ở Massachusetts và Michigan.
Bốn năm sau, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc khác đã mua 15% còn lại từ TDK.
TDK hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 16 tỷ USD, trong khi đó CATL có giá trị gần 240 tỷ USD.
Hỗ trợ của Bắc Kinh
Hồ muối Chaerhan ở Golmud, thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, nơi nước muối được chế biến để chiết xuất liti và các khoáng chất khác.
Pin của CATL yêu cầu nguồn cung cấp lithium và coban lớn. Các công ty Trung Quốc đã gấp rút thu mua coban ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo. Năm nay, CATL đã mua lại một phần tư khu dự trữ coban Kisanfu, một trong những khu dự trữ giàu nhất thế giới, ở Congo với giá 137,5 triệu USD.
Hồ sơ công ty cho thấy trong vòng một năm kể từ khi thành lập CATL, ông Zeng đã thành lập một công ty con ở tỉnh Thanh Hải, miền tây Trung Quốc. Qinghai có một thứ mà ông Zeng cần: lòng hồ muối khô với nước muối ngầm dày đặc chứa đầy liti. Chính phủ muốn phát triển ở các vùng miền tây Trung Quốc.
Một bảng chào cho thấy ông Tập Cận Bình đang chào công nhân tại lối vào Hồ muối Chaerhan.
Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã cung cấp hơn 100 triệu USD cho các dự án CATL ở Thanh Hải. Chính quyền tỉnh Thanh Hải đã cung cấp khoảng 33 triệu USD từ năm 2015 đến năm 2017.
CATL được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc chỉ sử dụng pin sản xuất trong nước.
Nỗ lực này cũng đã đưa Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực pin ô tô điện. Theo Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tư vấn ở London, Trung Quốc có công suất sản xuất pin ô tô điện gấp 14 lần Mỹ. Theo dự đoán, Trung Quốc sẽ giữ vị trí dẫn đầu ngay cả sau khi Mỹ tăng cường xây các nhà máy dự kiến ở North Carolina.
Một trạm sạc ô tô điện tại trụ sở của CATL.
CATL nắm giữ một phần ba thị trường pin ô tô điện toàn cầu. Đối thủ lớn nhất của CATL trên toàn cầu là LG, với 1/4 thị phần. Có thời điểm CATL cũng phải đối đầu với đối thủ khó chơi trên sân nhà.
BYD, có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, nhận được hỗ trợ lớn từ nhà đầu tư Warren E. Buffett. Không giống như CATL đầu tư vào pin lithium-coban, BYD đặt cược vào pin lithium truyền thống.
Nhà máy của BYD tại Khu công nghiệp Nam Xuyên ở Tây Ninh, Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại công trường của một nhà máy CATL đang được xây dựng ở Trung Quốc.
Hiện tại, CATL đang xây dựng một nhà máy rộng lớn gấp ba lần quy mô nhà máy sản xuất pin ô tô điện của Tesla và Panasonic ở sa mạc Nevada. Nhà máy khổng lồ của CATL ở Fude, cách trung tâm thành phố Ninh Đức 90 phút lái xe về phía đông bắc, là một trong tám nhà máy mà CATL hiện đang xây dựng, với chi phí hơn 14 tỷ USD. Công ty đã tập hợp các nhóm nhỏ các công nhân xây dựng để xây dựng các tòa nhà tường thép cao 15m, dài hơn năm sân bóng đá.
Yu Bin, một công nhân xi măng ở Fude, cho biết gần đây anh đã làm việc liên tục 20 giờ để hoàn thành một mái nhà. "Đèn trên những cần cẩu thắp sáng cả đêm," ông nói.
https://soha.vn/nuot-chung-chat-xam-nuoc-ngoai-trung-quoc-thong-tri-loai-cong-nghe-khien-my-lo-so-20211231091138116.htm