Cảm giác xôn xao và ấm áp của mùa xuân trong những tín hiệu rất Hà Nội năm nay hình như vẫn ở đâu đó rất xa. Thực ra mùa xuân vẫn đến đúng nhịp thời gian của nó, nhưng lòng người đã mang một tâm thế khác.
Vào thời gian này của những năm trước, không khí Tết đã bắt đầu thổi qua những khu phố Hà Nội. Tôi nhớ những người bán hàng rong đạp xe mang theo những cành đào nở sớm. Họ đi như những người báo mùa.
Trên những tuyến đường vào Hà Nội, những chiếc xe chở đào rừng và các loại nông sản phục vụ cho Tết lướt đi. Những khu phố kinh doanh ngập tràn hàng hóa và những người sắm Tết sớm.
Năm nay người Hà Nội đang lo vì gần Tết số người nhiễm Covid-19 tăng cao. Lại nghe thông báo chủng mới Omicron đã ‘’nhập cảnh’’ Hà Nội. Bởi thế, thay vào sự náo nức chuẩn bị đón Tết là lướt web hằng ngày xem số F0 tăng giảm như thế nào, ở đâu có ca nhiễm cộng đồng...
Hằng năm tôi đều đưa cả gia đình về quê đón Tết. Nhưng tháng trước, F0 đã mò về tận quê tôi. Chú em tôi gọi cho tôi và nói năm nay anh chị cứ trú quân ở thành phố, đừng về ăn Tết.
Ở quê tôi, một huyện ngoại thành Hà Nội, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin trên hệ thống phát thanh của làng về tình hình Covid-19, nhắc nhở mọi người các quy định phòng chống Covid-19, khuyên các gia đình có người nhà làm việc ở thành phố không nên về quê ăn Tết vì sợ mang theo virus.
Cả làng giống như những năm tháng chiến tranh. Mọi thứ đều được giải quyết hết sức nhanh chóng và không được tập trung đông người.
Mọi năm vào thời điểm này, chính quyền Hà Nội đã chuẩn bị triển khai trang hoàng thành phố đón Tết. Năm nay hầu hết các thông tư, nghị quyết chỉ để chống Covid-19.
Rất nhiều gia đình người quen và đồng nghiệp của tôi không bàn về chuyện Tết như mọi năm mà bàn về các loại thảo dược có thể chống được Covid-19 khi chưa có thuốc đặc trị.
Thế là không ít người rủ nhau tích trữ một số thuốc men trong nhà nếu chẳng may trở thành F0 mà chưa thể được điều trị ở các trung tâm y tế.
Có lẽ đây là năm đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy Tết xa vời với rất nhiều người. Ngay cả những năm chiến tranh và những năm đói kém thì không khí Tết vẫn rực ấm trong mỗi ngôi nhà bởi sự rạo rực và thiêng liêng của một năm mới.
Nhưng năm nay hầu hết mọi người sống trong lo âu và cảnh giác với dịch bệnh cùng với sự mong mỏi năm cũ nhanh đi qua để năm mới nhanh đến với hy vọng Covid-19 bùng lên trong những tháng cuối năm giống ngọn đèn dầu bùng lên bởi cạn dầu rồi tắt hẳn.
Thường vào những ngày cuối năm tôi hay tỉnh giấc lúc gần sáng. Tôi nằm nghe tiếng sương đọng thành nước rơi trên mái hiên và cảm giác những mầm cây đang cựa mình thức dậy. Nhưng những đêm gần sáng của những ngày này là những lo lắng về đại dịch Covid-19 chiếm ngự.
Lần đầu tiên trong năm cũ, hầu hết mọi người không cầu mong năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, thăng quan tiến chức... mà mong được sống bình thường, được thảnh thơi đi chợ mua một cành đào, được tụ tập người thân, bè bạn quanh bàn tiệc tất niên, được chạy xe quanh hồ Gươm đêm giao thừa, được đến chúc Tết nhau.
Nhưng Tết năm nay, tất cả những điều bình thường ấy dường như đã trở nên xa vời khi số ca nhiễm còn cao.
Và lúc này, trong mỗi con người không ai bảo ai đều mang trong mình một mong ước giống nhau: đó là đại dịch Covid-19 sớm biến mất cho dù phải sống trong khó khăn, thiếu thốn về vật chất.
TTO - Hơn 10 ngày gần đây, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca COVID-19 mới, tuy nhiên điểm đáng chú ý là Hà Nội vẫn giữ được số ca chuyển nặng và tử vong ở mức thấp.
Xem thêm: mth.1665447050102202-man-iouc-ion-ah-yagn-tom-gnort/nv.ertiout