Giáo viên Trường THPT Trưng Vương, quận 1 (TP.HCM) quét mã QR khai báo y tế trước khi cho học sinh vào lớp, sáng 4-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hầu hết học sinh đều hồi hộp, phấn khởi, ngạc nhiên, nhất là học sinh lớp 10 lần đầu được đến trường mới gặp bạn bè thầy cô trực tiếp chứ không phải qua màn hình máy tính, điện thoại.
Từ vui vẻ phấn khởi
Em Nguyễn Ngô Đăng Lân, lớp 10A6 Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM), nói: "Em rất vui vì được gặp bạn bè, thầy cô trực tiếp. Thời gian học online cũng là thời gian trải nghiệm rất thú vị, nhưng offline vẫn là mong muốn lớn nhất của không chỉ riêng em".
Trường THPT Trưng Vương đón 100% học sinh 3 khối lớp vào buổi sáng. Các em vào cổng đo thân nhiệt, khai báo y tế bằng tờ khai hoặc dùng điện thoại quét mã QR.
Với hơn 1.900 học sinh, nhà trường gặp khá nhiều khó khăn trong việc khai báo y tế dù đã nhắc nhở phụ huynh cho con khai báo trước ở nhà. Nhiều em lúng túng hoặc gặp trục trặc khi khai báo. Học sinh được giám thị kiểm tra quét mã hoặc thu giấy khai báo mới được vào lớp.
Cô Lương Bích Nga, hiệu phó nhà trường, cho hay: "Trường không đủ phòng để tách lớp. Tuy nhiên vẫn có phòng dự phòng và phòng đặc biệt. Phòng dự phòng dành cho các em F1, phòng đặc biệt cho học sinh F0 (nếu có). Các em đến trường mỗi ngày đều khai báo y tế, khai tối hôm trước ở nhà. Em nào quên thì đến đây nhà trường có để mẫu giấy khai sẵn ở cổng".
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thông tin trong ngày 4-1 tỉ lệ học sinh đến trường đạt 98%, trong đó khối 12 vắng 15 em, trường có 3 ca F0 và 15 ca F1.
"Sau 20h mỗi ngày, phụ huynh sẽ cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm thông tin về tình hình sức khỏe của thành viên trong gia đình. Cuối chủ nhật hằng tuần, phụ huynh cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh. Đó là thực hiện "lớp học xanh" để các em đến trường vui, an toàn" - thầy Phú nói.
Ngoài số học sinh trở lại trường học trực tiếp, một số trường vẫn tiến hành tổ chức các lớp học online dành cho những học sinh mà phụ huynh không đồng ý cho con đi học lại.
Theo đó, các lớp học online này sẽ có thời khóa biểu riêng và trước mắt ôn tập các môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, lý, hóa... Các môn còn lại giáo viên bộ môn sẽ tự quyết định hình thức kiểm tra trên lớp theo quy định trong thời gian từ ngày 10 đến 22-1.
Đến lo lắng: học online thi trực tiếp
Trong tuần trở lại trường, học sinh có 4 ngày để giáo viên bộ môn hướng dẫn củng cố những nội dung trọng tâm, kiến thức cơ bản cũng như ôn lại những nội dung đã học online.
Khá yên tâm về công tác phòng chống dịch của trường, em Vũ Văn Tuấn, lớp 8 Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), cho biết nỗi lo lớn nhất của em là kỳ kiểm tra học kỳ 1 đang đến gần. Em giãi bày:
"Khi học online, em không chắc mình tiếp thu được 100%, nếu không muốn nói là hiệu quả chưa cao. Còn khi kiểm tra bài, thật lòng em cũng chưa trung thực vì bên cạnh máy tính khi em làm kiểm tra online tại nhà, sách vở tài liệu có đó, em không thể "làm ngơ".
Nói là 1 tuần đi học để chuẩn bị kiểm tra, nhưng thực chất chỉ có 4 ngày. Em lo kết quả làm bài không được tốt".
Cho rằng lịch thi học kỳ học sinh đã biết từ cuối tháng 11 nên thầy Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), nhìn nhận lo lắng của học trò và phụ huynh là tâm lý chung hết sức bình thường, nhất là học sinh khối 7 và 8. "Đợt kiểm tra này rất nhẹ nhàng, vẫn theo yêu cầu ban đầu, những nội dung đã học nhưng chỉ dừng ở mức độ nhận biết và thông hiểu.
Từ đầu năm học, tôi đã chỉ đạo suốt điều này: không đòi hỏi khó khi kiểm tra, học nhẹ nhàng thì kiểm tra cũng nhẹ nhàng. Giáo viên bộ môn họ cũng đã nắm rõ nên mức độ của đề chỉ nhận biết, thông hiểu và thậm chí còn có nội dung vận dụng thấp và rất thấp, rất đơn giản. Vì thế, học sinh đừng quá lo lắng" - thầy Đắc giải thích.
Cũng theo thầy Đắc, tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, các môn học tập trực tiếp ở tuần này sẽ thi trực tiếp; các môn như âm nhạc, mỹ thuật sẽ làm sản phẩm như video đàn hát, tranh ảnh... để nộp và lấy điểm kiểm tra học kỳ.
Là giáo viên tiếng Anh của một trường THCS ở quận Bình Thạnh, cô L.T.X. chia sẻ rằng cô rất bất ngờ, lo lắng cùng học sinh khi thay đổi phương thức thi khác với phương pháp học. "Tôi muốn kiểm tra online cho dứt điểm học kỳ 1.
Bởi vì hiện tại như sáng hôm nay khối 7, 8 trường tôi đi học lại chỉ có 60 - 70%. Một lớp 45 em chỉ có 20 - 25 em đi học. Giáo viên vừa dạy online, vừa offline rồi lu bu với máy móc, với mạng rất cực. Và học trò cũng rất mệt.
Đó chưa kể là một tuần vào học không giải quyết được gì. Chẳng hạn như tiếng Anh lớp 8 tuần này có 3 tiết, nhưng tiết 1 rơi vào thứ 2 là ngày nghỉ lễ bù nên chỉ còn 2 tiết. Em học ở lớp được 45 phút, em học online ở nhà chỉ 30 phút, rất bất nhất".
Để "thích ứng" tình hình, với bộ môn tiếng Anh, cô L.T.X. cho biết cô chỉ ra đề cho các khối ở mức thông hiểu và vận dụng vừa phải. "So với các năm, năm nay tôi ra đề theo hình thức trắc nghiệm 100%, không tự luận, không kiểm tra phần nghe để giúp học sinh không bỡ ngỡ" - giáo viên tiếng Anh này nhấn mạnh.
Sao lại làm ngược?
Ban đầu tôi gửi kết quả khảo sát là không đồng ý cho con đến trường học trực tiếp. Sau đó, tôi nghĩ con mong gặp bạn bè thì cho con đến trường cho vui vẻ. Nhưng không ngờ đi học có 4 ngày là thi nên con phải lao vào chạy đua ôn tập.
Con căng thẳng, kéo theo tôi cũng lo lắng. Giao thoa giữa năm lớp 9 và năm lớp 10, tôi đã mấy lần thót tim: thi - không thi, rồi giờ đến trường chỉ để ôn thi, vậy học online không ôn thi được hay sao?
Đến trường để con hòa nhập với môi trường trường lớp, mục đích cuối là như vậy, nhưng rốt cuộc con đến trường là đối mặt ngay với áp lực, quay quắt với đề cương đề thi. Tôi rất thắc mắc chúng ta hay hô hào: Học không chỉ vì điểm, học không chỉ vì thi, mà sao lại làm ngược?!
(Chị T.H.A., phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM)
Hơn 85% học sinh từ lớp 7 đến 12 trở lại trường
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM vào chiều 4-1, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết tỉ lệ đi học trực tiếp của các lớp 10 trên 85%, lớp 11 trên 92%, lớp 12 vẫn trên 98%, lớp 7 và 8 tỉ lệ trên 87%, lớp 9 tỉ lệ 98,7%.
Về ý kiến của các phụ huynh trong việc kiểm tra học kỳ, ông Tân cho biết Bộ GD-ĐT thống nhất không dùng từ "thi" mà gọi là kiểm tra cuối kỳ để cho thấy mục tiêu không áp lực nặng nề, chỉ là đánh giá lại quá trình học tập của các em.
T.LÊ - C.NƯƠNG
Một cách làm khác
Học sinh lớp 7 Trường THCS Ba Đình, quận 5 (TP.HCM) học trực tiếp buổi đầu tiên sau thời gian dài ở nhà vì dịch COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thấy rằng việc học sinh lớp 10, 11 đi học lại và kiểm tra liền vào tuần sau là hơi đột ngột nên thầy Phạm Quang Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM), cho biết nhà trường quyết định lồng ghép, vừa kiểm tra vừa dạy học để kéo dài thời gian ôn tập, củng cố.
"Ngày 15-1, trường mới tổ chức cho học sinh 3 khối kiểm tra chung các môn chính. Tức là các em được học tập trực tiếp 2 tuần so với mặt bằng chung các trường.
Trong hai tuần đó chỉ ôn tập, vì lượng kiến thức nội dung trong chương trình học kỳ 1 đã dừng lại vào ngày 13-12. Từ ngày 10 đến 14-1, trường sẽ tổ chức kiểm tra theo lớp các môn không tập trung như nghề, tin học, thể dục, sau khi kiểm tra nếu còn thời gian sẽ lồng ghép ôn tiếp các môn thi chung.
Tôi nghĩ cách này sẽ rất nhẹ nhàng. Dù rằng học online nhưng cần kiểm tra trực tiếp mới nắm bắt sức học thật sự của học trò. Còn đề thi thì nhẹ nhàng, vừa sức tiếp thu của các em" - thầy Hiếu nói.
TTO - Tại họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 4-1, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học (Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM) - thông tin đã có trên 85% học sinh lớp 7 đến 12 quay trở lại trường ngày 4-1.
Xem thêm: mth.12943752240102202-iht-ol-ad-coh-iuv-pik-auhc-gnourt-ial-ort-mchpt-hnis-coh/nv.ertiout