Theo ghi nhận từ các văn phòng giao dịch bất động sản, giá đất tại nhiều khu vực bị đẩy lên cao, đất quê tăng gấp đôi, gấp 3, đất đấu giá tại các đô thị cũng lên những mức không tưởng. Giá tăng nóng, nhưng lòng người lại có vẻ lạnh khi tình hình mua bán khá vắng vẻ.
Chỉ trong vòng 1 năm, giá đất tại vùng quê tỉnh Bắc Giang đã tăng lên gấp đôi, gấp 3, khiến nhiều người dân không khỏi ngỡ ngàng.
"Giá ban đầu là 630 triệu, giờ lên 1,4 - 1,5 tỷ. Giá lên quá mức tưởng tượng. Người dân ở đây rất khó khăn, nói đến 1,3 - 1,5 là rất khó khăn rồi", ông Đỗ Văn Phương, người dân tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.
Giá đất tăng cao một phần do ảnh hưởng từ các cuộc đấu giá đất liên tục được tổ chức tại địa phương. Đây cũng là con dao 2 lưỡi. Chính các văn phòng môi giới nhà đất cũng không vui vẻ gì khi giá đất liên tục tăng cao, trong khi người mua lại chẳng có.
Chỉ trong vòng 1 năm, giá đất tại vùng quê tỉnh Bắc Giang đã tăng lên gấp đôi, gấp 3.
"Giao dịch đất ở đây chậm lắm. Khách hàng thấy giá cao. Một số người định mua nhưng do giá cao quá họ lại không mua nữa", ông Nguyễn Văn Tuấn, Văn phòng Giao dịch Bất động sản Tuấn Hải, nói.
Tại Hà Nội, khu đất trúng đấu giá lên tới gần 400 triệu đồng/m2 ở quận Cầu Giấy cũng gây ra chấn động không nhỏ cho cả khu vực.
"Trong kia chỉ hơn 100 triệu là cùng, làm gì mà đẩy lên tới 400 triệu, ai người ta mua", ông Kiều Văn Thư, người dân TP Hà Nội, cho biết.
Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, nhiều thương vụ mua bán xung quanh khu vực này đã bị đổ bể do người bán lật kèo, vì họ mong muốn giữ lại đất để hét giá cao hơn.
Các đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, việc giá nhà đất liên tục leo thang đang gây ra những lo ngại thị trường sẽ bị đóng băng, khi giá vượt quá khả năng chi trả của người mua. Lúc này, những người tung giá quá cao so với giá trị thật sẽ lâm vào cảnh "gậy ông đập lưng ông".
"Họ cũng chịu áp lực cạnh tranh rất nhiều, bởi hiện nay nếu cùng mức giá đó, người sử dụng hoặc nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn ở vị trí tốt hơn. Do đó, tốc độ bán sẽ rất chậm", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ các môi giới có thể thổi giá, dồn dập nâng giá đất một phần do lợi dụng tình cảnh nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Giải pháp cần thiết lúc này là khơi thông các thủ tục pháp lý để đẩy nguồn hàng ra thị trường.
"Các dự án tồn đọng chờ pháp lý lên tới vài trăm, cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều đó khiến nguồn cung sụt giảm, đẩy giá nhà tăng lên. Hiện nay, việc chuyển từ đất khác sang nhà ở đô thị còn vướng mắc ở Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, với điều kiện phải có đất ở sẵn trong đó. Mặc dù là quy hoạch nhà ở, nhưng chưa có đất ở thì không được chuyển đổi", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho hay.
Thị trường bất động sản đang đứng trước nghịch lý: người bán muốn găm hàng chờ giá cao hơn, trong khi doanh nghiệp cũng đắn đo với mặt bằng giá mới khó có thể làm được. Nghịch lý này đang khiến thị trường bất động sản bị suy giảm nguồn cung và cả sức mua.
VTV.vn - Những ngày cuối tháng 12/2021, nhiều phân khúc bất động sản như chung cư, đất nền… đều có xu hướng tăng giá chóng mặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.72622448050102202-gno-gnul-pad-gno-yag-gnuhc-ioc-oac-auq-tad-aig-teh/et-hnik/nv.vtv