Chính phủ đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà trong ba tháng đối với công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... với số tiền khoảng 6.600 tỉ đồng. Trong ảnh: khu nhà trọ công nhân ở quận 12, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 4-1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội nội dung quan trọng được nhân dân quan tâm là gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ triển khai trong hai năm 2022 - 2023.
Tổng quy mô gói hỗ trợ kinh tế từ tài khóa là 291.000 tỉ đồng (gồm 240.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước) và tiền tệ là khoảng 46.000 tỉ đồng.
Trong đó, gói tài khóa sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm và lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
"Tiền phải đẻ ra sản phẩm"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết chương trình có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, không làm lãng phí nguồn lực.
Do đó điểm đáng chú ý trong gói chính sách tài khóa là ngoài việc tiếp tục hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp, sẽ có thêm chính sách giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% với một số lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng với 240.000 tỉ đồng được chi từ nguồn ngân sách để thực hiện chính sách tài khóa, có thể làm tăng bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, với gói hỗ trợ được xây dựng thì chính sách miễn giảm thuế dự kiến lên tới 64.000 tỉ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm trước. Đặc biệt trong đó sẽ có giảm 2% thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động thuê nhà là 6.600 tỉ đồng...
Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí chủ trương miễn, giảm một số loại thuế phí, gồm giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Song cơ quan này cho rằng cần rà soát đối tượng áp dụng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác động lan tỏa, loại trừ sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng gói hỗ trợ được đánh giá là "lớn nhất trong lịch sử", song ông Trịnh Xuân An - đại biểu Đồng Nai - cho rằng phần lớn nguồn tài khóa được sử dụng chủ yếu cho đầu tư hạ tầng là "quá lớn", nhưng đến năm 2024 - 2025 mới giải ngân được, nên cần phải hài hòa lại gói đầu tư công cho phù hợp hơn.
Ông cho rằng cần rà kỹ lưỡng danh mục các dự án, đúng tiêu chí thì mới đưa vào, tránh tình trạng địa phương vận động tốt mới đưa vào, chú trọng tính hiệu quả triển khai dự án.
Về đầu tư cho y tế với 14.000 tỉ đồng, ông An băn khoăn về khả năng giải ngân và tính khả thi do hiện nay thủ tục mới bắt đầu làm. Trong đó danh mục đầu tư không chỉ là trạm xá, con người, nên nếu không chuẩn bị kỹ có thể dẫn tới sai phạm, vi phạm trong triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt ra yêu cầu phải làm sao tiền chi trong hai năm này và "đẻ ra sản phẩm, chứ không phải làm hai năm, xây xong cái nhà, hết tiền, sau đó đến 2024, 2025 cái nhà lại bỏ không".
Do đó ông cho rằng quan trọng là giải pháp điều hành, nên cần kiện toàn Ban Chỉ đạo trung ương về phục hồi phát triển kinh tế gắn với phòng chống COVID-19, vì nếu cứ ngăn sông cấm chợ, cấm xe vận tải... thì làm sao kinh tế phát triển.
Gói hỗ trợ Chính phủ đề xuất tập trung cho nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm... Trong ảnh: Người dân đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thận trọng với những cảnh báo
Quan tâm về gói tiền tệ với việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nhận định cần phải làm rõ những ngành nào được ưu tiên hỗ trợ, mức hỗ trợ...
Riêng với nông nghiệp trong bối cảnh ùn ứ xuất khẩu vừa qua, phải có sự quan tâm lớn đến nông nghiệp công nghệ cao từ gói này, làm sao để hỗ trợ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến xuất khẩu chính ngạch.
Trong bảy năm qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát luôn giữ dưới 4%, do đó dù tung gói hỗ trợ nhưng vẫn phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, tránh để lạm phát dẫn đến việc cấp bù lãi suất không có tác dụng.
Ngoài ra, dự báo năm 2022 nhu cầu nguyên vật liệu tăng, giá xăng dầu dự báo tăng, do đó Chính phủ cần có một gói dự phòng nếu giá xăng dầu tăng. Hiện xăng "cõng" nhiều thuế phí, chiếm tới 40% giá bán, nên nếu giá xăng tăng, cần sử dụng quỹ bình ổn này để giảm thuế phí, kiểm soát lạm phát.
Đại biểu Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - đề nghị cần tăng thêm nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phía Nam.
Ông dẫn chứng trong hai năm tới, kế hoạch là sẽ dành nguồn lực 113,85 ngàn tỉ đồng trong chính sách tài khóa để đầu tư hạ tầng và Bộ GTVT đã đề xuất 12 dự án sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Tuy nhiên, phần đầu tư cho Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hai dự án là rất ít. "Hiện nay hạ tầng của khu vực phía Nam rất kém phát triển so với hạ tầng khu vực phía Bắc. Do đó cần phải cân đối nguồn lực này sao cho thật rõ", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Lâm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách - dẫn ra năm yếu tố quan ngại, là những hệ quả từ việc thực hiện các chính sách này trong thực tế. Trước tiên là mối lo về cân đối vĩ mô, nợ công, nợ Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, đặc biệt là lạm phát.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang này cho rằng lạm phát hiện đang ở mức thấp, nhưng cũng không thể coi thường, bởi một số nước khi triển khai gói kích thích lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó là mối lo nợ xấu đang hiện hữu. Theo dự báo, nợ xấu có thể tăng lên tới 8% trong khi ngành ngân hàng đang cơ cấu lại nợ, gồm các khoản nợ xấu, nên nếu không thận trọng, không có cách gỡ thì nợ xấu lại trở thành "cục máu đông, gây ách tắc nền kinh tế" như giai đoạn trước.
Ngoài ra, đại biểu Lâm cũng cảnh báo nguy cơ đầu cơ, bong bóng tài chính, bất động sản khi gói hỗ trợ này được tung vào thị trường.
Dẫn chứng là khi gói hỗ trợ chưa đưa ra mà thị trường bất động sản, chứng khoán đã sốt nóng, có nguy cơ gây lãng phí tài sản xã hội. Ông cũng cảnh báo vấn đề lãng phí, thất thoát trong triển khai chương trình hỗ trợ tài khóa, tiền tệ này khi tiềm ẩn tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Nguồn: Bộ KH-ĐT - Đồ họa: T.ĐẠT
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:
Bơm tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát
Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này. Khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát vì không còn cách nào khác.
Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Anh tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng.
Gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ. Trong đó cần ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém.
Bên cạnh đó cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng "vừa rải thảm, vừa rải đinh".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Hiện nay chứng khoán tăng trưởng rất mạnh. Do đó vấn đề đặt ra là làm sao điều tiết thị trường không để nóng quá. Nếu giao dịch chứng khoán thực sự tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì không sao, nhưng nếu là đầu cơ thì lại không lành mạnh.
Bên cạnh chứng khoán thì bất động sản thế nào? Đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỉ đồng thì chưa bao giờ có chuyện này.
Vì vậy các cơ quan chức năng đang được giao nghiên cứu động thái này xem có bất thường không. Trước khi tung ra gói mới thì phải củng cố vĩ mô, những gì có dấu hiệu thiếu bền vững thì phải tính toán kỹ trước.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM)
Về việc hỗ trợ tiền thuê nhà trong ba tháng với công nhân tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm với số tiền khoảng 6.600 tỉ đồng, tôi băn khoăn về đối tượng và phương pháp làm.
Nếu chỉ hỗ trợ cho công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thì thiệt thòi cho công nhân các doanh nghiệp đang khó khăn nhưng lại không nằm trong khu công nghiệp.
Do đó cần tính toán hỗ trợ lâu dài bằng các gói hỗ trợ phát triển, chỉnh trang khu lưu trú cho công nhân như đề án của TP.HCM, còn nếu chỉ giao tiền cho người lao động thì tiền núi cũng không đủ.
TTO - Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội lên tới 291.000 tỉ đồng, với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư.