Kiên Giang - Hòn Đất là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Kiên Giang và là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn đang cần được khơi dậy để tạo bước chuyển mình cho du lịch xứ Hòn.
Nhiều thế mạnh về lịch sử, tự nhiên
Hòn Đất có quần thể núi Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo giữa vùng đồng bằng ven biển, tạo thế đứng hùng vĩ trong vùng căn cứ cách mạng Ba Hòn. Hệ thống các hang hòn và khu mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng được nhiều người biết đến. Núi Hòn Me có trung tâm phát sóng truyền hình Trung ương, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Núi Hòn Quéo hiện có Tam Bảo Kỳ Viên tự và khu bãi đá bán sơn thủy... tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp, hữu tình, thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch.
3 di tích trên địa bàn huyện được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu di tích lịch sử thắng cảnh Hòn Đất, Di chỉ khảo cổ học Óc Eo Nền Chùa và Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Sóc Xoài. Huyện còn có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh: Bia chiến thắng Sóc Xoài; Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; di chỉ khảo cổ học Óc Eo Giồng Xoài.
Về Hòn Đất, du khách còn có thể đến thăm các làng nghề truyền thống, thưởng thức những loại cây ăn trái thương hiệu có chất lượng cao phục vụ du lịch. Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn theo bờ biển dài 50km mang lại thu nhập khá lớn cho người dân vùng ven biển. Bình quân mỗi năm, các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện đón khoảng hơn 150.000 lượt khách tham quan, học tập và tìm hiểu lịch sử.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chị Trương Bích Trân - Giám đốc điều hành Điểm du lịch sinh thái Đồng Sen Đất Hòn (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) chia sẻ: “Nhận thấy Hòn Đất có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch nên chúng tôi đã đầu tư khoảng 30 tỉ đồng để mở khu du lịch sinh thái. Hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động (vào dịp đầu năm mới) với các hạng mục công trình cơ bản như khu vui chơi dành cho thiếu nhi, khu ẩm thực, khu tổ chức các hoạt động dã ngoại… Các hạng mục công trình còn lại sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, thu hút khách tham quan đến với Hòn Đất ngày càng nhiều hơn”.
Cùng đến khảo sát điểm du lịch sinh thái mới, bà Trần Thị Lệ Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòn Đất cho biết: “Theo chủ trương của tỉnh và huyện xác định phát triển du lịch trên cơ sở khai thác những lợi thế, tiềm năng, nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và yếu tố lịch sử ở vùng đất anh hùng. Ngoài khu du lịch sinh thái này thì Hòn Đất cũng rất mong muốn sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư khác, đầu tư những mô hình du lịch nhằm kết nối tiềm năng du lịch địa phương ngày càng phát triển.”
Trước đây, Hòn Đất được biết đến với hình ảnh cây lúa, củ khoai, là 1 vùng phát triển nông nghiệp. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòn Đất lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng. Hòn Đất tiến tới xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách, tập trung phát triển 3 loại hình du lịch đặc trưng: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử.
Việc quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du lịch, chú trọng đầu tư mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, du lịch nhà vườn, phát triển các ngành, nghề truyền thống sẽ góp phần tạo mối liên kết vững chắc để phát triển du lịch về lâu dài. Ngành chức năng của huyện cũng có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để du lịch Hòn Đất có bước đột phá và trở thành địa điểm thu hút đông đảo khách tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng bền vững.
Xem thêm: odl.277199-hnim-neyuhc-coub-iod-ohc-nol-tar-gnan-meit-gnaig-neik-o-noh-ux-hcil-ud/et-hnik/nv.gnodoal