Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 5/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Chính phủ cho phép thành phố nghiên cứu, bổ sung thêm bằng ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh, nhằm phù hợp với tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Trong đợt dịch thứ tư bùng phát đầu tháng 5, TP HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Các chỉ số kinh tế của thành phố giảm sâu, đời sống người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Năm 2021, TP HCM đã chi khoảng 12.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, chủ động đưa ra các chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2025. Trọng tâm phục hồi kinh tế năm 2022 được ông Mãi nhắc tới, là tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, chuỗi sản xuất, cung ứng giúp doanh nghiệp tái gia nhập thị trường. Ông nhấn mạnh tới đối tượng doanh nghiệp cần trợ lực nhất lúc này là ngành du lịch.
Chủ tịch TP HCM cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm có hướng dẫn các chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng đời sống người dân, hấp thụ các nguồn vốn đầu tư.
Về phần mình, thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, tiếp tục xây dựng chính quyền đô thị, cũng như triển khai xây dựng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, dự án vành đai 3, tuyến metro 1 và 2...
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm giao trách nhiệm cho cơ quan Nhà nước địa phương, hướng dẫn và ưu tiên bố trí vốn cho dự án vành đai 3 - công trình hạ tầng quan trọng phía Nam", ông kiến nghị.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên đề nghị ngoài các hỗ trợ về vật chất để phục hồi kinh tế, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp sau đại dịch cũng cần hỗ trợ về tinh thần, văn hoá.
Bà Hải cho biết, giải ngân đầu tư công là cứu cánh trong đại dịch, giúp Thái Nguyên đạt mức tăng trưởng GRDP khoảng 6,5%, thu ngân sách đạt kỷ lục với 18.000 tỷ đồng (tăng 146%). Tỉnh cũng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,2%, với dự án lớn nhất - tới 1 tỷ USD của Samsung.
Tuy vậy, điểm nghẽn trong thu hút vốn được Bí thư Thái Nguyên nêu là khâu giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Bà đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép tách giải phóng mặt bằng ra thành tiểu dự án, giúp các dự án đầu tư đi vào vận hành nhanh hơn.
Ông Phan Văn Mãi cũng đồng tình và cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cấp phép quy hoạch. TP HCM vừa có kiến nghị gửi Chính phủ, đề nghị sửa đổi 11 điểm tại Luật Đất đai.
Vì thế, ông Mãi nói "mong Chính phủ xem xét, ban hành và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới tạo động lực cho phát triển để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương...".
Anh Minh