Cuối tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin một địa phương ở miền nam nước này đã yêu cầu Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà bị cáo buộc xây dựng không đúng quy định. Các công trình này là một phần của dự án Ocean Flower Island trị giá 13 tỷ USD đã được công ty đầu tư nhiều năm qua.
Ngày đầu tuần, Evergrande đã bị tạm ngừng giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông. Công ty tuyên bố đang tích cực làm việc với nhà chức trách nhằm tìm lối thoát cho dự án. Hiện tại, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn vẫn đang lay lắt tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ.
Trong một diễn biến khác, chỉ vài tuần trước đây, China Fortune Land, doanh nghiệp bất động sản từng có thời điểm lớn nhất Trung Quốc, thông báo mất liên lạc với một quỹ mà họ đã đầu tư 313 triệu USD.
Trong hồ sơ nộp lên Ủy ban chứng khoán, China Fortune Land Development cho biết họ đã đầu tư số tiền này vào China Create Capital, một công ty đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, nhằm đầu tư vào các sản phẩm tài chính có thu nhập cố định. Công ty cho biết họ hy vọng thu lợi nhuận 7-10% cho khoản đầu tư của mình.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vẫn không thể liên hệ với China Create Capital. Hiện tại, công ty đang "tích cực hợp tác" với hoạt động điều tra của cảnh sát Trung Quốc để "bảo vệ công ty và lợi ích của cổ đông". Giống nhiều công ty bất động sản khác của Trung Quốc, Fortune Land đã có một năm tồi tệ. Cổ phiếu công ty niêm yết tại Thượng Hải đã giảm hơn 70% kể từ đầu năm 2021.
Những vụ việc tưởng nhưng không thể xảy ra lại ập đến đúng thời điểm khó khăn nhất với thị trường bất động sản Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại cho tương lai của lĩnh vực chiếm tới gần 30% GDP nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thậm chí, nhiều người còn lo sợ những tác động với nền kinh tế toàn cầu từ vấn đề của bất động sản Trung Quốc.
Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn cú sập của Evergrande hay các doanh nghiệp BĐS khác tác động sâu rộng hơn tới nền kinh tế. Tuy nhiên, những động thái đó chỉ có thể giảm đi phần nào tác động chứ không thể hấp thụ hoàn toàn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang đi theo chiến lước Zero Covid-19 và chưa có các gói kích thích kinh tế lớn như thế giới đang làm.
Không chỉ lĩnh vực bất động sản, Trung Quốc gần đây cũng tiến hành siết chặt quản lý trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ. Cùng với căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã giảm tới hơn 1 nửa kể từ đầu năm tới nay.
Một ngành đang "ăn nên làm ra" khác cũng vừa bị Trung Quốc xóa sổ đó là dậy thêm trực tuyến. Tại một số địa phương, Trung Quốc còn áp giá trần cho chi phí của mỗi buổi học thêm, dẫn tới tác động nghiêm trọng tới ngành dịch vụ đang bùng nổ này ở Trung Quốc. Hàng loạt trung tâm dậy học thêm đã bị đóng cửa, dẫn tới số lượng lớn người mất việc.
Theo Linh Anh
Doanh nghiệp và tiếp thị