Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị Quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, phóng viên (PV) Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.
Một góc trung tâm TP Thanh Hóa hôm nay
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết này?
Ông Nguyễn Văn Thi: Tỉnh Thanh Hóa xứng đáng được Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù. Tự hào là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có vị trí chiến lược quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh, TP hội tụ đủ 3 vùng địa lý, có đủ loại hình giao thông thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sản xuất với quy mô lớn.
Tỉnh từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước, nhất là giai đoạn 2011-2020, khi Thanh Hóa thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, quy mô kinh tế đứng thứ 8/63 tỉnh thành, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) quan trọng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong bối cảnh đó, xác định đặc thù, thế mạnh cũng như vị trí và vai trò quan trọng của tỉnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh nhanh và bền vững trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tại Nghị Quyết 58, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh bảo đảm tính tương đồng với các TP lớn khác, trình Quốc hội xem xét, ban hành, để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực nhằm thực hiện được các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra tại Nghị Quyết 58.
Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa là hoàn toàn cần thiết và xứng đáng.
Ông Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
PV: Các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho phát triển tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thi: Các chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành sẽ góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính "đột phá" về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, qua đó từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Trong số 8 chính sách được Quốc hội thông qua, có những chính sách Trung ương bổ sung, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương như chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; thu từ xử lý nhà, đất hoặc tạo dư địa để huy động thêm hay điều tiết nguồn lực xã hội như chính sách về mức dư nợ vay, phí, lệ phí. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng KT-XH, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.
Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh, Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định một số cơ chế, chính sách tăng tính phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian, tăng tính trách nhiệm của địa phương như các chính sách về phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy thủ tục nhanh hơn cho một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ đô thị hóa lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, để trở thành một cực tăng trưởng mới, một đô thị phát triển toàn diện và kiểu mẫu nhưng phải đảm bảo kiểm soát và giám sát chặt chẽ, tránh việc lạm dụng cơ chế, chính sách.
PV: Để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành, tỉnh Thanh Hóa cần nỗ lực như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thi: Thanh Hóa nhận thức rất rõ rằng đây vừa là kỳ vọng, tầm nhìn, quan tâm của Trung ương đối với Thanh Hóa, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm, vai trò của tỉnh trong việc khơi dậy, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình để lan tỏa, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển vùng, cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Các cơ chế, chính sách đặc thù mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa; tuyệt đối không phải là các chính sách mang tính xin-cho. Ngược lại, Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho Thanh Hóa càng đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể phát huy được hiệu quả và dư địa của chính sách.
Ví dụ, phải thúc đẩy phát triển hạ tầng hiệu quả thì mới phát huy được dư địa của chính sách phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; phải xây dựng được kế hoạch vay và trả nợ hiệu quả, hợp lý thì mới khai thác được dư địa của chính sách tăng mức dư nợ vay…
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự kỳ vọng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân khi Nghị quyết được thông qua?
Ông Nguyễn Văn Thi: Nghị Quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị Quyết 37 của Quốc hội sẽ tạo hệ xung lực mới, động lực mới, tạo dư địa, không gian, khí thế mới cho phát triển của tỉnh.
Có thể nói, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa sẽ là sự thể chế hóa cao nhất, hiện thực hóa cụ thể, sinh động nhất Nghị Quyết 58 của Bộ Chính trị, là sự kết hợp hài hòa giữa quan tâm, kỳ vọng của Trung ương và nỗ lực, trách nhiệm của địa phương, là dấu mốc lịch sử, mở ra cơ hội nổi trội và khác biệt cho Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới, để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước như mong muốn, căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu".
Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền cũng như người dân, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt rất nhiều kỳ vọng, chuẩn bị rất bài bản, kỹ lưỡng và chắc chắn sẽ nỗ lực rất lớn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!