Sức mua sụt giảm
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Thanh Hoá, sức mua sắm sụt giảm so với năm ngoái, trong khi đó nguồn cung hàng hoá rất dồi dào, phong phú.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã phải giảm bớt nhập các mặt hàng dịp lễ, Tết do ngại dịch bệnh bùng phát.
"So với mọi năm đầu tư 10 phần thì năm nay chúng tôi chỉ đầu tư 40% vì sợ dịch bùng phát. Gia đình chúng tôi dè chừng với việc mua bán của người dân", ông Lê Văn Chính - Chủ cửa hàng kinh doanh, phường Lam Sơn, Thanh Hóa cho hay.
Hiện nay, các đại lý, siêu thị trên địa bàn TP Thanh Hoá đều có kế hoạch tăng hàng cung ứng, dữ trữ dịp lễ, Tết từ 20% - 30%, giá cả vẫn giữ ở mức ổn định.
Theo các chủ kinh doanh tại TP Thanh Hóa, dự báo sức mua sắm sẽ gia tăng trong những ngày cận Tết, do đó ngoài việc đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi các cơ sở kinh doanh sẽ tập trung vào các nhóm mặt hàng, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Tại nhiều cửa hàng, sức mua sắm sụt giảm so với năm ngoái. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Làng nghề sản xuất trầm lắng
Phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vốn là nơi sản xuất kinh doanh sầm uất của làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh.
Người dân địa phương cho biết, cách đây hơn 2 năm, vào dịp giáp Tết, sản lượng bánh mứt kẹo làng nghề xuất bán lên tới hàng chục tấn. Nhưng nay do ảnh hưởng của đại dịch, không khí ở đây đã trở nên trầm lắng.
Không có cảnh người xe nườm nượp qua lại, tham quan, mua sắm, chị Hà - cơ sở sản xuất gốm sứ Tú Thu, Bát Tràng, Gia Lâm Hà Nội - cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch, các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng bị chững lại.
Chiếc bình hút tài lộc, những năm chưa có đại dịch, mỗi dịp giáp Tết chị bán được 700 - 800 chiếc. Nhưng nay, nhiều hôm bán hàng cả buổi mà cũng chẳng có khách hỏi mua
Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, những nghệ nhân ở Làng gốm cổ Bát Tràng vẫn chưa 1 ngày ngơi nghỉ. Anh Đức - nghệ nhân làng Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ, anh và các cộng sự của mình vừa nghiên cứu và tái sinh một dòng men sứ mới có tên gọi men Lang Diêu Hồng.
Còn với cơ sở sản xuất kinh doanh gốm Gia Tộc Việt, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, hướng đi mới để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch chính là việc thúc đẩy hình thức bán hàng trực tuyến với cách làm sáng tạo.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh bán hàng bằng hình thức trực tuyến và cũng liên kết với các sàn thương mại điện tử uy tín. Rất đáng mừng là sau đại dịch doanh thu đã phục hồi 30 - 40%", anh Thắng - Giám đốc Công ty gốm Gia Tộc Việt cho hay.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mong năm mới đại dịch sớm qua đi và mong làng nghề sẽ lại nhộn nhịp đông vui như vốn có - niềm mong mỏi đã lâu của người dân làng gốm cổ Bát tràng.
Nhà vườn hoa Tết vắng bóng thương lái
Không chỉ ở Bát Tràng mà nhiều bà con ở các làng nghề truyền thống trên cả nước vốn đã quen với sự lên xuống của thị trường, những biến cố trong kinh doanh nhưng có lẽ chưa năm nào khó khăn lại thấy rõ như năm nay.
Ngoài những mặt hàng bảo vệ sức khỏe nhà ai cũng cần khi dịch bệnh ập tới thì nhắc đến Tết một mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết là các loại mai, quất Tết. Tết dù khó khăn đến mấy nhiều nhà cũng không thể thiếu sắc mai đào, quất cảnh.
Để hạn chế bị ảnh hưởng về kinh tế do dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, năm nay, ông Huỳnh Tứ Hải ở phường 9, TP Tuy Hòa đã chủ động giảm số lượng trồng mai, quất Tết xuống còn một nửa. Tuy nhiên, hiện nay vườn mai, quất Tết của ông Hải vẫn còn nguyên số lượng, đang chờ thương lái đến mua hoặc đặt cọc mang đi bán Tết.
Cạnh vườn ông Hải, vườn nhà ông Phạm Ngọc Chung cũng cùng cảnh ngộ. Cả tháng nay, chẳng có lấy một thương lái ghé xem cây, dù ngày nào ông cũng túc trực ngoài vườn từ sáng đến chiều.
Đợi mãi không thấy thương lái nào ghé vườn, nên ông Chung đã chủ động gọi cho một số mối quen từ các năm trước để chào hàng nhưng đều không có kết quả.
"Đến giờ mà không có ai hỏi han gì hết, không thấy người mua. Dân đang trăn trở, không biết xử lý thế nào", ông Chung cho hay.
Nhà vườn hoa Tết vắng bóng thương lái. Hình minh họa - Ảnh: Báo Nhân dân.
Vùng trồng hoa Tết của TP Tuy Hòa tập trung ở phường 9, xã Bình Ngọc và Bình Kiến với tổng diện tích gần 200 ha. Những năm trước, mỗi hộ trồng từ 1.000 đến 1.500 chậu mai, quất và nhiều loại hoa khác nhau để phục vụ thị trường Tết. Năm nay, mỗi hộ chỉ trồng chừng 400 đến 500 chậu, nhưng vẫn chưa có thương lái nào đến mua.
Đã vậy, đợt mưa lũ đầu tháng 12 vừa qua còn làm cho sản lượng hoa giảm mạnh. Giờ đây, các nhà vườn chỉ còn biết tập trung chăm sóc và hy vọng vào đợt tiêu thụ giáp Tết để có chi phí đầu tư cho vụ tới.
Khó khăn là khó khăn chung, ngành nghề nào thời điểm này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ còn cách thích ứng để duy trì và tồn tài. Với tố chất linh hoạt, ứng biến nhanh nhẹn của người Việt, khó khăn lại chính là thời cơ để chúng ta tìm ra được những hướng đi mới trong cách tiếp thị, trong cách vận chuyển. Những mặt hàng Tết truyền thống, những mặt hàng quen thuộc nhưng nay đòi hỏi người bán phải có cách tiếp cận khác đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.70225759150102202-tet-aum-hnaod-hnik-taux-nas-noub-iuv/et-hnik/nv.vtv