Chiều 5-1, TAND TP.HCM tiếp phần bào chữa vụ án Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng đồng phạm sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc bị VKS đề nghị từ 19-21 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và tham ô.
VKS cáo buộc Phúc với vai trò là Tổng giám đốc SADECO phải biết rõ việc thực hiện các hoạt động liên quan đến phát hành cổ phần phải theo quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) cùng các bị cáo khác hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng 9 triệu cổ phần mà không thông qua đấu giá dẫn đến thất thoát số tiền lớn của Nhà nước.
Phúc cũng là người hoàn tất các thủ tục ký hợp đồng với công ty du lịch cho các cá nhân đi nước ngoài bằng tiền quỹ không đúng quy định, gây thất thoát 2,1 tỉ đồng cho công ty.
Đối với việc chiếm hưởng 4,6 tỉ đồng tiền quỹ khen thưởng của công ty, bị cáo Phúc là người có vai trò chính, ký duyệt danh sách và phân chia cho các cá nhân khác.
Luật sư Vũ Phi Long băn khoăn về cáo buộc thân chủ tội tham ô tài sản. Luật sư dẫn chứng bị cáo Phúc về SADECO từ ngày 6-2-2017. Những gì đã xảy ra trước đó thì bị cáo Phúc không thể là người chịu trách nhiệm. Và những diễn biến tiếp đó theo nếp cũ thì bị cáo cũng không phải là người chủ mưu, người đứng đầu trong việc chiếm đoạt số tiền 4,6 tỉ đồng.
Việc chi thù lao tiền quỹ khen thưởng đã được bàn bạc thảo luận và thực hiện trước đó. Bị cáo Phúc về là tiếp nhận cái đã rồi. Việc sửa đổi hồ sơ giấy tờ chẳng qua là sự đã đành. Có sự gian dối để che giấu, có sai nhưng việc này không làm phát sinh thiệt hại.
Và với tội tham ô thì ngay thời điểm chuyển dịch, chiếm đoạt tài sản là đã cấu thành còn các biện pháp sau đó dùng giấy tờ giả chỉ là che giấu khi yếu tố chuyển dịch có từ trước.
“Trong suy nghĩ tư duy của các bị cáo trong vụ việc này là có khác với tính chất chiếm đoạt bị cáo buộc”, luật sư nhấn mạnh.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phúc. Ảnh: H.YẾN
Mặt khác theo luật sư phân tích tội tham ô thì phải chiếm đoạt tài sản của các bị cáo đang quản lý. Trong khi 4,6 tỉ lẽ ra phải chuyển về cho IPC hay Văn phòng Thành uỷ nhưng các bị cáo đã chi trả cho một số cá nhân. Đây là khoản tiền của các đơn vị đó và là chủ sở hữu của khoản tiền bị chiếm đoạt. Như vậy tiền này không phải của SADECO.
Hay nói cách khác SADECO không sở hữu số tiền này và tiền cũng chưa ra khỏi SADECO. Nói ra thế để thấy khách thể bị xâm hại có thay đổi. Tuy nhiên luật sư cũng cho biết việc thay đổi khách thể xâm hại còn khó hơn thay đổi tội danh.
Tiếp lời, luật sư Nguyễn Thành Công cùng bào chữa cho là hành vi bị cáo Phúc thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Dũng có dấu hiệu của hành vi che dấu tội phạm. Vì bị cáo Phúc không hứa hẹn trước với Dũng nhưng thực hiện hành vi sửa chữa các chứng từ, hồ sơ để điều chỉnh lại theo ý muốn của cựu chủ tịch HĐQT Dũng nhằm che dấu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn.
Bản cáo trạng và lời luận tội xác định vai trò đồng phạm giúp sức của Phúc là tích cực, chỉ đứng sau bị cáo Dũng là chưa xem xét và phân hóa trách nhiệm hình sự khách quan. Bởi bị cáo Phúc không có động cơ để tham ô và trên thực tế cũng không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào từ quỹ thù lao khen thưởng năm 2017 và 2018.
Trước đó, luật sư của bị cáo Huỳnh Phước Long (nguyên trưởng phòng Quản lý đầu tư và kinh doanh vốn thuộc VP Thành Uỷ, nguyên thành viên HĐQT SADECO) cũng không đồng ý cáo buộc tham ô số tiền hơn 868 triệu đồng. Theo luật sư, bị cáo thực hiện sai cơ chế chi trả số tiền trên nhưng không có cơ sở để cho rằng bị cáo chiếm đoạt. Vì đây là số tiền tiền thưởng thuộc về bị cáo Long. Khi luận tội, VKS đề nghị mức hình phạt với bị cáo này là 12-14 năm tù về hai tội tham ô và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
(PLO)- VKS nhận định bị cáo Tất Thành Cang đã tạo điều kiện cho SADECO bán cổ phần giá rẻ, gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thiệt hại của Nhà nước là 669 tỉ đồng.