ThS Nguyễn Hải Anh - chuyên gia về bảo vệ quyền trẻ em - Ảnh: PHƯƠNG LINH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Nguyễn Hải Anh - Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - cho hay nghị định 130 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) bổ sung một số quy định mới để xử phạt các hành vi vi phạm quyền tham gia của trẻ em (điều 27); công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (điều 31); vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (điều 36)…
"Đặc biệt, mức phạt cao nhất cho các hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trẻ em tại điều 22 đã được tăng lên đến 20 triệu đồng, gấp đôi mức xử phạt quy định tại khoản 2, điều 27, nghị định số 144/2013/NĐ-CP (là từ 5-10 triệu đồng)", ThS Nguyễn Hải Anh chỉ rõ.
ThS Nguyễn Hải Anh nhận định nghị định 130 nâng mức xử phạt theo hướng tăng nặng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em, đặc biệt gần đây xảy ra vụ đánh đập khiến một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM thiệt mạng.
Thực tế, nhiều phụ huynh, người chăm sóc trẻ không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em và coi đó là hành vi bình thường để giáo dục trẻ như trừng phạt, đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật; chửi mắng trẻ…
Do vậy, bà Hải Anh cho rằng cơ quan chức năng cần mô tả rõ các hành vi vi phạm để mỗi người dân đều có thể nhận biết, phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc.
"Dù mức phạt có quy định cao đến mấy đi chăng nữa mà những hành vi vi phạm không được phát hiện và báo cáo với các cơ quan chức năng hoặc có báo cáo nhưng chỉ được những người có thẩm quyền xử lý qua loa, đại khái thì sẽ không phát huy được tác dụng.
Từ đó có thể gây ra tâm lý "coi thường" pháp luật, cho rằng nghị định chỉ quy định mức xử phạt "hình thức" vậy thôi, chứ thực tế thì không mấy ai bị xử phạt cả", ThS Nguyễn Hải Anh nói.
Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - cho biết nghị định 130 là quy định cụ thể của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật trẻ em 2016. Đặc biệt là những hành vi vi phạm quyền trẻ em mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được phép làm.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đăng Hoa Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
"Nghị định 130 là công cụ pháp lý rất tốt khi đã đưa ra các chế tài, biện pháp xử lý hành vi vi phạm như hành vi bạo lực với trẻ em, bóc lột sức lao động, bỏ rơi trẻ em…
Trước nay, mình chỉ xử lý hình sự nếu gây tổn hại cho trẻ ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Còn hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì không có căn cứ để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Nam nêu rõ.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam lấy ví dụ hành vi không tố cáo, không thông báo hoặc cản trở, che giấu việc tố cáo, thông báo hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định tại Luật trẻ em 2016 nhưng chưa có chế tài xử lý cụ thể. Do vậy, nghị định 130 đã đưa ra các chế tài xử lý vi phạm hành chính rõ ràng, hiệu quả.
Nghị định 130 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) có nhiều điểm mới như mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Các hành vi gồm cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hạn về thể chất, tinh thần của trẻ em; thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần cũng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Theo nghị định 130, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.
Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20-25 triệu đồng áp dụng cho các hành vi dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định; bắt trẻ lao động trước tuổi, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm…
TTO - Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng thay vì cầu nguyện khi sự việc đã rồi. Luật trẻ em 2016 đã quy định rõ rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.