Singapore đang tìm cách thúc đẩy tiêm liều tăng cường - Ảnh: ST
Ngày 5-1, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết quy định mới sẽ áp dụng cho những người tiêm liều vắc xin thứ 2 vào ngày 20-5-2021 trở về trước.
"Từ nay đến ngày 13-2-2022, miễn là bạn đã tiêm 2 liều vắc xin mRNA hoặc 3 liều vắc xin Sinovac hay Sinopharm, bất kể thời gian, thì bạn được xem là tiêm chủng đầy đủ", Bộ trưởng Ong nói.
"Từ ngày 14-2, nếu bạn tiêm liều vắc xin cuối cùng trước ngày 20-5-2021, tức 270 ngày hoặc 9 tháng trước, chứng nhận tiêm chủng đầy đủ của bạn sẽ mất hiệu lực", ông Ong nói thêm.
Do đó, để duy trì chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, người dân Singapore cần tiêm một liều vắc xin tăng cường trước hạn chót vào ngày 14-2.
Với người có thời gian tiêm chủng chưa vượt quá 270 ngày hoặc người không đủ điều kiện về mặt y tế, chứng nhận tiêm chủng sẽ không bị ảnh hưởng.
Người đã tiêm chủng nhưng mắc COVID-19 và khỏi bệnh thì không phải tiêm liều tăng cường. Người đã khỏi bệnh mà chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 liều thì cần tiêm một liều vắc xin mRNA ít nhất 3 tháng sau khi khỏi bệnh thì mới được xem là đã tiêm đầy đủ.
Theo Bộ trưởng Ong, các vắc xin phổ biến hiện hay có hiệu quả thấp hơn trước biến thể Omicron khi so với biến thể Delta.
"Liều tăng cường sẽ khôi phục khả năng bảo vệ trước Omicron. Do đó, vắc xin và liều tăng cường tiếp tục là cách chống dịch chính của chúng tôi", ông Ong cho biết.
Theo Đài CNA, Singapore tiêm hơn 50.000 liều vắc xin mỗi ngày. Cho tới nay, hơn 87% dân số nước này đã tiêm 2 liều vắc xin và 42% người được tiêm tăng cường.
COVID-19 tăng mạnh ở nhiều nơi
Theo Hãng tin Reuters, Thái Lan đang cân nhắc một số biện pháp như hạn chế tụ tập đông người và cấm bán rượu tại nhà hàng để ngăn chặn làn sóng dịch.
Thái Lan ghi nhận 3.899 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 5-1, tăng từ mức trung bình 2.600 ca/ngày vào cuối năm ngoái.
Nếu không tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên, ca bệnh có thể lên tới "hàng chục ngàn người trong hai tuần tới", bà Sumanee Watcharasin, người phát ngôn của lực lượng chống dịch Thái Lan, cho biết.
Thái Lan đã tiêm 2 liều vắc xin cho khoảng 64,1% trong số 72 triệu người dân, nhưng chỉ có 9,7% người được tiêm tăng cường.
Nước Anh ghi nhận tỉ lệ mắc COVID-19 cao kỷ lục trong tuần cuối cùng của năm 2021, cứ 15 người thì có 1 người ở Anh mắc bệnh.
Số lượng ca bệnh ngày càng tăng đã tạo áp lực lớn lên các bệnh viện, nơi đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên và số người nhập viện ngày càng tăng.
Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Anh Boris Johnson có quan điểm phản đối phong tỏa nghiêm ngặt. Thay vào đó, ông Johnson đặt cược vào liều vắc xin tăng cường, sự thận trọng của dân chúng và bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước.
Trẻ em thành phố New York, Mỹ, đeo khẩu trang đầy đủ khi tới trường - Ảnh: EPA
Dù nhẹ nhưng Omicron lây lan rất nhanh. Trung bình có 672 trẻ em phải nhập viện mỗi ngày ở Mỹ, tính đến ngày 2-1, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình chỉ một tuần trước đó.
Ca bệnh ở trẻ em Mỹ cũng tăng lên. Có hơn 325.000 ca mắc mới ở trẻ em trong tuần kết thúc vào ngày 23-12, tăng 64% so với tuần trước và tăng gần gấp đôi so với hai tuần trước đó, theo số liệu từ Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ.
Nguyên nhân ca bệnh gia tăng dường như là do khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron và tỉ lệ tiêm chủng thấp ở trẻ em trên 5 tuổi. Tương tự người lớn, các bằng chứng ban đầu cho thấy phần lớn trường hợp Omicron gây ra bệnh nhẹ ở trẻ em.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phòng ngừa bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm xét nghiệm, đeo khẩu trang, tiêm chủng và thậm chí tạm thời trì hoãn mở cửa trở lại trường học.
TTO - Vắc xin COVID-19 Corbevax do các nhà nghiên cứu tại bang Texas, Mỹ phát triển mà không có bằng sáng chế. Vắc xin này có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bất bình đẳng về vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Xem thêm: mth.71030711060102202-ud-yad-al-hnit-iom-ueil-3-meit-eropagnis-1-6-yagn-ioig-eht-91-divoc/nv.ertiout