Trung Quốc mang (rất nhiều) lương thực về cho dân
Trong những tháng gần đây, giá lương thực thế giới do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổng hợp đã leo lên mức đỉnh 10 năm, từ đó gây lo ngại cho chính phủ toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, thời tiết xấu và nhu cầu tiêu dùng tăng vọt là các yếu tố gây ra sự gia tăng đột biến trên thị trường thực phẩm.
Tuy nhiên, Bloomberg nói có một yếu tố ít người biết đến cũng tác động lớn đến giá thực phẩm: Trung Quốc đang ra sức tích trữ các hàng hóa chủ lực. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ nắm giữ 69% dự trữ ngô của thế giới, 60% dự trữ gạo và 51% dự trữ lúa mì.
Theo ước tính riêng của Bắc Kinh, khối lượng dự trữ của ba loại ngũ cốc trên đang ở "mức cao trong lịch sử", và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng từng thừa nhận điều này đang góp phần làm tăng giá thực phẩm toàn cầu.
Đối với Trung Quốc, việc dự trữ các hàng hóa chủ lực là vô cùng cần thiết để nuôi sống hơn 1,4 tỷ dân cũng như để giúp đất nước không phải phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu lương thực lớn như Mỹ.
Tuy nhiên, các nước khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, có lẽ đang tự hỏi tại sao Trung Quốc - vốn chiếm chưa tới 20% dân số thế giới, lại tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm đến thế.
Ám ảnh thời đói kém
Trung Quốc đã vận hành các kho thóc (hay nói rộng hơn là các kho dự trữ lương thực) từ hàng nghìn năm trước. Thời xa xưa, kho thóc đóng vai trò như một nguồn thu thuế, đồng thời là công cụ để đất nước sống sót qua những vụ mùa thất bát, thiên tai và chiến tranh.
Tầm quan trọng của các kho thóc càng lớn khi dân số Trung Quốc tăng vọt. Giai đoạn 1958 - 1961, thiên tai và biến động chính sách đã khiến hàng triệu người dân Trung Quốc bị đói ăn. Thời kỳ này được sử sách lưu lại là "Nạn đói lớn".
Cách đây nhiều năm, Chủ tịch Tập Cận Bình từng chia sẻ rằng nhiều bạn đồng niên của ông vẫn còn ám ảnh về nạn đói năm xưa. Được biết, ông Tập sinh khoảng năm 1953, đến nay đã 68 tuổi.
Những ký ức xưa cũ đã tác động đến chính sách của ông Tập kể từ khi ông bắt đầu lãnh đạo đất nước. Năm 2013, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, Chủ tịch Tập đã triển khai một chiến dịch trên toàn quốc nhằm khuyến khích người dân không lãng phí thực phẩm.
Năm 2020, chiến dịch "vét sạch đĩa" lần nữa tái xuất sau khi ông Tập kêu gọi người dân trong nước "ý thức về nguy cơ khủng hoảng lương thực", Bloomberg thông tin thêm.
Nguy cơ khủng hoảng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập không chỉ là việc có đủ ăn, mà còn liên quan đến việc nông dân trong nước sản xuất đủ lương thực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào bất kỳ nước nào khác.
Hai tuần trước, tại một cuộc họp cấp cao của chính phủ, ông Tập nhấn mạnh "lương thực của người dân Trung Quốc phải do chính người dân Trung Quốc sản xuất và nằm trong tay của người dân Trung Quốc".
Thực tế, mục tiêu của Bắc Kinh là không dễ dàng. Tồn kho đất canh tác của Trung Quốc liên tục giảm trong nhiều thập kỷ qua, một phần bị ảnh hưởng bởi tốc độ phát triển đô thị hóa và ô nhiễm đất. Hơn nữa, các trang trại trên khắp Trung Quốc cũng ghi nhận năng suất thấp hơn những nước khác.
Thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư vào công nghệ, Bắc Kinh đã gắng sức để thúc đẩy năng suất trồng trọt. Song, những nỗ lực này dù rất hứa hẹn nhưng khó có thể thành công chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Bloomberg nhận định.
Vì lẽ đó, Trung Quốc đang tất bật tích trữ lương thực. Các thương nhân tận dụng đồng nhân dân tệ mạnh lên để mua ngũ cốc với tốc độ chóng mặt. Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2021, lượng bột mì nhập khẩu của Trung Quốc đã cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 50%.
Quy mô và các loại hàng hóa mà Trung Quốc tích trữ là một bí mật quốc gia được bảo vệ cẩn thận. Song, gần đây, các quan chức đã cởi mở một cách khác thường về vấn đề này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi chính phủ đưa ra một văn bản mơ hồ, cảnh báo khả năng thiếu hụt lương thực trong mùa đông khiến công chúng hoảng loạn, các quan chức nông nghiệp đã trấn an người dân rằng Trung Quốc đã tích đủ lúa mì trong 18 tháng qua.
Hồi tháng 6, FAO cảnh báo rằng một số quốc gia thu nhập thấp có thể phải nhập khẩu lương thực với giá cao hơn 20% (tính chung cả năm).
Mặc dù báo cáo của FAO không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào phải chịu trách nhiệm cho tình trạng giá lương thực nhảy vọt, Trung Quốc - với tư cách là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chắc chắn đóng một vai trò quan trọng.