Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cảnh báo Myanmar có đầy đủ yếu tố thổi bùng lên một cuộc nội chiến và bày tỏ quan ngại về tình hình Myanmar hiện tại, kênh Channel News Asia đưa tin hôm 5-1.
Phát biểu trong bài giảng hôm 3-1 do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore tổ chức, ông Prak Sokhonn cảnh báo triển vọng tình hình hoà giải ở Myanmar sẽ gặp nhiều khó khăn.
Lời cảnh báo được đưa ra ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Myanmar vào ngày 7 và ngày 8-1 nhằm nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng tại nước này.
Ông Prak Sokhonn cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở Myanmar ngày càng sâu sắc và đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế, y tế và nhân đạo.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn. Ảnh: PPW
Ông bày tỏ quan ngại về nguy cơ nội chiến: “Bây giờ có hai chính phủ, một số lực lượng vũ trang, người dân thì đang trải qua cái mà họ gọi là phong trào bất tuân dân sự và đã có chiến tranh du kích trên khắp đất nước. Chúng tôi thấy rằng hiện Myanmar đã có đầy đủ các yếu tố để bùng lên một cuộc nội chiến”.
Ông Prak Sokhonn bác bỏ những lời chỉ trích rằng chuyến thăm của ông Hun Sen sẽ hợp pháp hóa chính quyền quân sự đương nhiệm và khẳng định điều cấp bách bây giờ của Campuchia là cải thiện tình hình ở Myanmar.
Ông nói rằng các nỗ lực sẽ vẫn tập trung vào một lộ trình hòa bình và "đồng thuận năm điểm" đã được lãnh đạo các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí vào năm ngoái. Theo đó, năm điểm đó là chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN về Myanmar và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
Bộ trưởng Campuchia cho biết huyến thăm của ông Hun Sen nhằm mục đích "mở đường cho tiến triển” hoà giải bằng cách "tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại toàn diện và sự tin tưởng chính trị giữa tất cả các bên liên quan".
Ông nói thêm rằng cuộc khủng hoảng của Myanmar có tác động xấu đến "sự ổn định của khu vực, hình ảnh, sự tín nhiệm và sự thống nhất của ASEAN".
Phương tiện bị đốt tại bang Kayah, Myanmar. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ông cho biết Campuchia đang nỗ lực để cho phép người đứng đầu quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing tiếp tục tham dự các cuộc họp của ASEAN.
Campuchia sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN năm 2022 và chuyến thăm của ông Hun Sen tới Myanmar như là nỗ lực đầu tiên thể hiện trách nhiệm của Campuchia dưới cương vị này.
Kể từ sau cuộc đảo chính, có rất ít dấu hiệu cho thấy căng thẳng dịu đi ở Myanmar.
Trước đó, chuyến thăm của một đặc phái viên ASEAN tới Myanmar đã bị trì hoãn sau khi chính quyền quân sự từ chối cho phép ông gặp cựu cố vấn quốc gia Myanmar - bà Aung San Suu Kyi.
Đáp lại, ASEAN đã không mời Thống tướng Min Aung Hlaing dự hội nghị thượng đỉnh cấp cao vào hồi tháng 10.