Cô giáo Lâm Minh Trang - Ảnh: TỰ TRUNG
Câu chuyện của chúng tôi với cô giáo Lâm Minh Trang và tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang cũng không tránh khỏi chuyện không vui này với nhiều ký ức xót xa và quan điểm đáng suy ngẫm.
Những câu chuyện cần phải cất vào kho
- Cô giáo Lâm Minh Trang: Phải thú thực ngay rằng ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp) mà tôi đã giảng dạy mấy chục năm, tôi nổi tiếng là một bà giáo dữ đòn. Tôi đã từng đánh học sinh trong nhiều lớp và trải qua nhiều năm. Không nhiều đâu, chỉ 1-2 em một lớp khi phạm lỗi, khi không học bài, gây mất trật tự... và cũng không quá hai roi, nhưng phải nói là rất đau.
Tác dụng tức thời là trật tự trong lớp sẽ được vãn hồi ngay lập tức, cả lớp răm rắp học bài. Tác dụng xa hơn là đám học trò đồn thổi nhau "Cô đó dữ lắm", hình thành nên cái "uy" của mình bên cạnh cái tướng to con.
Vậy nên học sinh gặp tôi dường như ngoan hơn, tôi cũng thường được ban giám hiệu giao cho các lớp "quậy", các học sinh cá biệt để "trị"... Tiếng tăm ấy của tôi cũng kéo dài khá nhiều năm.
- TS Lê Thị Linh Trang: Cũng có khi là tai tiếng ấy chứ. Vậy có học trò nào giận cô giáo và quay về nói chuyện ấy với cô không?
- Cô Lâm Minh Trang: Không. Trái lại, có nhiều học trò quay lại cảm ơn tôi "Nhờ cô dữ mà em hết dám quậy, lo học hơn nên nay mới được vậy". Lại cũng có nhiều phụ huynh tới cảm ơn: "Cô dữ nên con tôi ngoan hơn".
Cũng như khi xưa thời anh chị em tôi còn nhỏ, mỗi năm khai giảng thì mẹ lại đi chợ roi mây ở Ông Tạ mua roi về rồi quấn cán đỏ, mang đến biếu thầy cô của từng đứa kèm theo hai chục trứng gà so và kính cẩn nói: "Mong thầy cô hãy dạy con tôi thật nghiêm khắc".
Tôi cũng bị đòn nhiều, nhận roi đau thì giận cha mẹ lúc ấy nhưng lúc qua rồi nghĩ lại thì thấy là mình sai, mình có tội thật và tội ấy đáng đánh đòn thật.
- TS Lê Thị Linh Trang: Tôi cho rằng những câu chuyện có vẻ như một truyền thống giáo dục tốt đẹp ấy cần phải cất vào kho truyền thuyết, cổ tích, và ngày hôm nay hãy quên hết đi. Có học trò đã quay lại cảm ơn cô, nhưng số những em không quay lại chắc là nhiều hơn, và trong lòng các em ấy nghĩ gì thì chúng ta không biết được.
Cũng như có rất nhiều người viết nhiều bài tâm sự rất hay, rất cảm động về sự trưởng thành, thành đạt ngày hôm nay có ngọn roi của cha mẹ - thầy cô dự phần, nhưng những người đã chìm vào cuộc đời vì phải mang ẩn ức với ngọn roi ấy thì họ không lên tiếng và có khi không còn cơ hội lên tiếng...
- Cô Lâm Minh Trang: Vâng. Nửa sau đời đi dạy của tôi là làm quản lý, khi ấy tôi không chỉ phải chịu trách nhiệm với học trò, phụ huynh mà còn cả với các thầy cô đồng nghiệp. Tôi bừng tỉnh về cách xử sự sai lầm của mình.
Tôi nhớ lại những lần đánh học trò, lần nào về nhà cũng không thể ăn ngon ngủ yên, cứ day dứt suy nghĩ, nhưng rồi lần sau lại không kìm được tính nóng nảy, lại thiếu kiên nhẫn khi chỉ nói thôi thì chưa thể có chuyện đám trẻ vâng lời, mà tiết học chỉ có 45 phút...
Tôi đã lấy chính câu chuyện sai lầm của mình để trò chuyện với đồng nghiệp: "Tôi từng là một bà giáo dữ đòn, cho đến hôm nay có những phụ huynh từng là học trò vẫn mang tôi ra dọa con mình. Thật là một tấm gương không có gì hay ho, không có gì đáng tự hào. Các thầy cô đừng lặp lại con đường của tôi.
Xã hội giờ đã thay đổi rồi, tâm lý trẻ em cũng lớn lên rất nhiều rồi, không thể chấp nhận nữa đâu. Ngày tôi nghỉ hưu, tôi đọc một diễn văn từ biệt. Trong ấy từ đầu tới cuối chỉ là những lời xin lỗi học trò, đồng nghiệp về những không nên, không phải trong xử sự do tính nóng nảy của mình...
Tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang - Ảnh: TỰ TRUNG
Không một ai có quyền đánh trẻ
- TS Lê Thị Linh Trang: Câu chuyện dẫn chúng ta đến chủ đề không mong muốn này của buổi hôm nay đã là câu chuyện xảy ra lần thứ n, và vẫn còn rất nhiều các em bé ngoài kia đang phải chịu cách giáo dục bằng đòn roi, có lúc ranh giới đánh đòn bị vượt qua để trở thành bạo hành, có lúc ranh giới bạo hành bị đẩy qua nữa để người đứng vai trò giáo dục trở thành tội phạm, em bé trở thành nạn nhân trong thảm kịch đau xót.
Khoa học tâm lý cho biết những ranh giới ấy rất mỏng manh, chưa kể đến những trường hợp cố ý. Vượt qua ranh giới vì không kìm chế được cảm xúc, vì cảm giác trấn áp được thỏa mãn, vì sự kích động của phương tiện trong lòng bàn tay...
Những lúc đó, tính giáo dục đã hoàn toàn đổ vỡ, lý lẽ đúng sai và tình yêu thương mà người ta tưởng là đang gửi gắm trong ấy cũng hoàn toàn triệt tiêu.
Vì vậy, những quan điểm mang tính thế hệ như cha mẹ có quyền đánh con, thầy cô có quyền đánh trò cần phải được chấm dứt. Ở đây, cả trẻ em lẫn người lớn đều cần được giáo dục: thân thể của trẻ không ai có quyền được làm đau, kể cả cha mẹ hoặc thầy cô.
- Cô Lâm Minh Trang: Trẻ em, mà tiêu biểu là những học trò mà tôi đã dạy qua, dù có ngỗ ngược đến đâu thì bản chất vẫn là công bằng. Chúng rất tinh tường nhận ra đâu là đánh dạy, đâu là đánh trút, vì vậy khi lớn lên, chúng ít khi giận cha mẹ và thầy cô của mình.
Nhưng đúng như cô Linh Trang nói, những tổn thương thành sẹo trong tâm hồn thì khó mà ai biết được, và có khi nó lại bộc phát ra bằng một cách khác. Tôi đồng ý truyền thống "thương cho roi cho vọt" cần chấm dứt...
- TS Lê Thị Linh Trang: "Chấm dứt ngay cả trong tư tưởng. Người lớn trước hết phải công bằng, chứ không nên trông chờ ở sự công bằng của trẻ khi nó lớn. Nếu đứng trên bục giảng lớp học của những người lớn, chắc chắn cô không bao giờ dám nghĩ đến một cây roi.
Như vậy, khi cầm roi đánh trẻ, chúng ta đã nghĩ đến vị thế của mình đầu tiên và vậy là không hề công bằng. Khác với các ngành khác mà sản phẩm có thể thấy được, cầm nắm được ngay, thành quả của giáo dục là cực phẩm hay phế phẩm chỉ có thể thấy được sau một thời gian rất dài.
Những sự kiện bạo lực nhan nhản trong xã hội ngày hôm nay có thể là hệ quả của sự giáo dục sai lầm nhiều chục năm trước đó.
Chương trình hỗ trợ bình ổn tâm lý mà tôi tham gia suốt mùa dịch đã tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi yêu cầu tham vấn cách "trị" con. Khi được hỏi, các cha mẹ lại kể rất nhiều về những áp lực công việc, kinh tế... Như vậy, rõ ràng tâm lý dịch chuyển "giận cá chém thớt", mang cảm xúc tiêu cực từ bên ngoài trút lên con trẻ.
Cần kết thúc vấn nạn giải quyết vấn đề bằng vũ lực này bằng một loại vắc xin tinh thần là ý thức "Tuyệt đối không được làm tổn thương người khác" với người lớn, và ý thức tự bảo vệ với trẻ em. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều khóa học kỹ năng làm cha mẹ, các phương pháp dạy con, kỷ luật tích cực.
Phải hết sức mạnh mẽ và quyết tâm từ mọi người, mỗi người trong điều chỉnh tư tưởng, hành vi thì mới có thể thành hiện thực. Nếu pháp luật còn có lỗ hổng, đề nghị bổ sung. Nếu các thiết chế xã hội chưa hiệu quả, đề nghị củng cố. Đã có nhiều mất mát đau thương rồi...
Chúng ta cần thức tỉnh
Cô Lâm Minh Trang: Những câu chuyện xót xa đã xảy ra nhiều lần và mong rằng lần này sẽ không trôi qua vô ích với sự lên tiếng của toàn xã hội. Ngay ở TP.HCM vẫn có những ngôi trường nổi tiếng nhiều năm về việc đánh học trò và được sự đồng ý - khoán trắng của phụ huynh để đổi lấy điểm số.
Kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi cho rằng đó là cách giáo dục thất bại với những hậu quả khó lường. Những đứa trẻ phải ra đi trong đau đớn, uất hận có sứ mệnh của nó - đó là thức tỉnh chúng ta.
******
"Giải quyết hậu quả thì dễ, còn giải quyết nguyên nhân, cội nguồn tội ác từ đâu thì mới là cái phải chú trọng. Các vụ việc bạo hành xảy ra âm thầm nhưng khi có hậu quả mới bắt đầu khui ra thì đã muộn"
>> Kỳ tới: Đừng để xảy ra hậu qủa mới giải quyết
TTO - Đòn roi đau đớn của ba má đã ám ảnh tôi. Khi lên TP.HCM học đại học, tôi dần hiểu chuyện và thầm hứa trong lòng sẽ không bao giờ lặp lại vòng luẩn quẩn bạo lực với con cái mình.