Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tim cho bệnh nhân Q. ngay sau khi quả tim vượt chặng đường dài đến Huế giữa mùa dịch - Ảnh: THƯỢNG HIỂN
Ngày 6-1, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Q. (23 tuổi, trú ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang tiến triển tích cực, dần ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Trước đó, bệnh nhân Q. được phát hiện bệnh lý cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối, đã được đặt máy khử rung (ICD) cách đây hơn 1 năm và được điều trị nội khoa tích cực để chờ cơ hội được ghép tim.
Tối 2-1, ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia có người cho chết não tại Hà Nội, ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã khẩn trương cử một kíp bác sĩ mang theo mẫu máu của bệnh nhân lên đường đi Hà Nội để nhận tạng.
Thời điểm này, không còn chuyến bay nào khởi hành từ Huế đi Hà Nội, để thực hiện các xét nghiệm nhận tạng kịp thời, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã quyết định đi bằng ôtô trong đêm.
Đến 13h ngày 3-1, quả tim chính thức rời lồng ngực người hiến tạng tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Ngay sau đó, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã được sự hỗ trợ của Vietnam Airlines và Pacific Airlines chở trái tim từ Hà Nội về Đà Nẵng và từ đó đi ôtô tức tốc về Huế.
16h chiều cùng ngày, quả tim về đến Bệnh viện Trung ương Huế và lập tức ca phẫu thuật ghép tạng được bắt đầu. Đến 19h, quả tim đã đập trở lại trong lồng ngực người được ghép.
Một ngày sau ghép tim, bệnh nhân đã rút nội khí quản, thở oxy qua mask, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tim tốt…
"Ghép tạng đã trở thành hoạt động thường xuyên của Bệnh viện Trung ương Huế. Đến nay đã có rất nhiều trường hợp được các y bác sĩ bệnh viện ghép tạng thành công, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống COVID-19 này", GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nói.
Ca cấy ghép tim nhân tạo đầu tiên ở người được thực hiện tại Mỹ đang được kỳ vọng sẽ giúp mở ra hướng điều trị mới cho hàng triệu bệnh nhân tim mạch mỗi năm.