TPHCM - Ngày 6.1, TAND TPHCM tiếp tục phần tranh luận vụ án Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) cùng các bị cáo sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Lời bào chữa luật sư bị cáo Tất Thành Cang có sự mâu thuẫn
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân nhân TPHCM (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, trong đó đáng chú ý là đối đáp lại nội dung luật sư cho rằng bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM không phạm tội.
Trước đó, VKS đề nghị phạt bị cáo Tất Thành Cang 12 đến 14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, luật sư bào chữa thì cho rằng, bị cáo không phải là chủ thể của tội danh trên mà trong vụ án này chủ thể là Văn phòng Thành ủy.
Đồng thời, luật sư cũng cho rằng, Viện Kiểm sát Nhân dân xác định bị cáo Tất Thành Cang có vai trò đầu vụ trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần là không đúng sự thật khách quan.
Trong phần khai trước tòa, bị cáo Tề Trí Dũng cũng cho rằng, bị cáo Tất Thành Cang không chỉ đạo mà chỉ mở lời với ông là tạo điều kiện cho Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược. Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang cũng đã phủ nhận điều này và cho rằng, bị cáo Tề Trí Dũng khai không đúng sự thật.
Đối đáp với luật sư tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM cho rằng, luật sư bào chữa có sự mâu thuẫn. Cụ thể, luật sư cho rằng, bị cáo Cang không phải là chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, mà chủ thể là Văn phòng Thành ủy. Nhưng cũng chính luật sư cho rằng, bị cáo Cang là người phụ trách Văn phòng Thành ủy lúc bấy giờ.
Thứ 2, luật sư cho rằng, bị cáo Cang không có quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần vì không phải là chủ sở hữu tài sản Nhà nước ở Đảng bộ TP. Tuy nhiên, cũng chính luật sư lại cho rằng, bị cáo Cang đã chỉ đạo việc thu hồi việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần, tránh gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Bị cáo Tất Thành Cang là người quyết định, chỉ đạo
Tranh luận về vai trò của bị cáo Tất Thành Cang trong vụ án, theo đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, sau khi bị cáo Tất Thành Cang ký bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược, Văn phòng Thành ủy đã ban hành thông báo 495 cụ thể hóa tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang lúc bấy giờ.
Từ đó, việc chuyển nhượng cổ phần của Sadeco được hoàn thành, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỉ đồng. Trong đó, tài sản Nhà nước bị thất thoát là hơn 669 tỉ đồng, bao gồm vốn của UBND TPHCM là hơn 485 tỉ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TPHCM là hơn 184 tỉ đồng, tương đương 16,7%.
Quá trình điều tra cũng như phần thẩm vấn trực tiếp tại phiên tòa, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng đã hỏi rõ bị cáo Tất Thành Cang là có làm rõ, có yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo hoặc cung cấp tài liệu về việc một cổ đông cụ thể là ai, có thực hiện việc đấu giá công khai hay không?
Bị cáo Tất Thành Cang đã trả lời là không yêu cầu bổ sung tài liệu, cũng không yêu cầu báo cáo bổ sung gì thêm, do vậy, mặc nhiên được hiểu là bị cáo biết và đã quyết định nên bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với việc quyết định của mình.
VKS lập luận dù bị cáo Cang phủ nhận có quan hệ với Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng nhưng lời khai của bị cáo Dũng là có căn cứ. Thực tế là xuyên suốt quá trình chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco, chỉ có duy nhất Công ty Nguyễn Kim được tiếp xúc, làm việc, và cuối cùng là đã ký hợp đồng chuyển nhượng trót lọt cổ phần của Sadeco với giá thấp mà không có bất kỳ một đơn vị nào khác…
VKS cũng phân tích, dù bị cáo Dũng là Tổng Giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sadeco lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tại Sadeco có phần vốn góp của UBND thành phố và Văn phòng Thành ủy, nên nếu không có sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu, chắc chắn bị cáo Dũng không thể tự mình quyết định và thực hiện được việc chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.
“Thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, bị cáo Cang đang có vai trò pháp lý đặc biệt, có quyền lực rất lớn. Vì đó là lúc giao thời khi Thành uỷ TPHCM chưa có Bí thư. Như vậy có thể thấy, mặc dù là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhưng thực tế bị cáo Cang đảm nhiệm vai trò của Thường trực Thành ủy” - đại diện VKS nhấn mạnh.
Lời khai của bị cáo Dũng là nhất quán, phù hợp với quá trình, diễn biến của hành vi phạm tội. Bị cáo Cang là người định hướng việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, để bị cáo Dũng cùng các đồng phạm thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng, mình chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình nhưng thực tế bị cáo đã làm trái quy trình, chỉ đạo ngược khi không phải cấp dưới tham mưu cho bị cáo, mà bị cáo đã chỉ đạo từ trước, cấp dưới đã triển khai, thực hiện đúng ý đồ của bị cáo mà thôi. Điều đó thể hiện vai trò xuyên suốt của bị cáo. Với địa vị pháp lý của mình, bị cáo là người có vai trò dẫn dắt và quyết định sự việc phạm tội.
Viện Kiểm sát nhấn mạnh, bản thân bị cáo Tất Thành Cang với vai trò lãnh đạo, lại chối bỏ trách nhiệm, phủ nhận lời khai của cấp dưới.
Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo Tất Thành Cang là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.