Phải chấm dứt tình trạng "bán thầu"
Thảo luận tại tổ về nội dung này, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.
Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án, Chủ tịch nước cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công; song song với phải chấm dứt tình trạng “bán thầu”.
"Nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên nhận được gói thầu, sau đó bán thầu cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian. Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có một số gói do bán thầu nên nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chấm dứt tình trạng "bán thầu"
Chủ tịch nước cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án, không thể buông lỏng để chống thất thoát.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu. Tất cả những cách làm này bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án.
Tính toán lại suất đầu tư
Cho ý kiến về dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, với tổng mức đầu tư sơ bộ 146.990 tỷ đồng làm 729 km đường cao tốc Bắc - Nam - tương đương hơn 200 tỷ đồng/km. Theo ông Cường, suất đầu tư này là khá cao.
"Đương nhiên, Bộ GTVT tính suất đầu tư căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật song cũng đề nghị Bộ xem lại", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho ý kiến.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị xem lại suất đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn báo cáo mới đây của Kiểm Toán Nhà nước tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc Nam là 152,9 tỷ đồng/km, trong khi Chính phủ đề xuất là 175 tỷ đồng/km (không gồm giải phóng mặt bằng).
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần mới (729 km) của cao tốc Bắc Nam là 130.604 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là 89.111 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 19.097 tỷ; chi phí quản lý dự án 6.036 tỷ đồng và khoản dự phòng 16.361 tỷ đồng.
Như vậy, con số Kiểm toán Nhà nước tính toán giảm 16.330 tỷ đồng so với dự kiến của Chính phủ, với suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).
"Phải xem lại suất đầu tư tính toán thế nào, về mặt kỹ thuật phải làm rõ", ông An nhấn mạnh.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Uỷ ban Kinh tế cho biết có ý kiến đề nghị thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ Dự án, bổ sung, làm rõ về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của Dự án và so sánh với các dự án tương tự.
Phát biểu làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mức đầu tư này mới là mức dự báo, chưa phải cuối cùng. Bởi chưa lập dự án, chưa thiết kế, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù thì chưa thể coi đó là mức đầu tư được.
"Hiện nay mức đầu tư đường cao tốc tính bình quân khoảng 200 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, cũng tùy vào nền đất của từng khu vực nên sẽ có nơi cao, nơi thấp. Cho nên tôi nghĩ vấn đề này chỉ là khái toán", ông Phớc cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh khi lập dự án, phê duyệt từng dự án thì bao giờ chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về độ chính xác tổng mức đầu tư của dự án cũng như gói thầu thiết kế dự toán.
Cần lo sinh kế cho người dân
Góp ý tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết dự án ảnh hưởng tới khoảng 14.983 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, số hộ phải tái định cư là 11.905 hộ. Tuy nhiên trong tờ trình chưa nêu rõ phương án di dân tái định cư, định canh.
"Tôi đề nghị bổ sung vào tờ trình phương án di dân, tại định canh, định cư. Cùng với đó là những chính sách hợp lý về việc đền bù thoả đáng đối với hộ dân có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng"
Cùng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh việc 45.000 khẩu phải giải quyết khâu tại định canh và định cư, và đây là con số lớn.
"Xây dựng các khu tái định cư phải đảm bảo vấn đề sản xuất, sinh kế", bà Yên nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lịch, tác động của dự án cần bổ sung các quy định về phát triển các điểm dân cư, cụm công nghiệp, vùng sản xuất dọc theo tuyến. Những hạ tầng này phải đi liền với nhau và đồng bộ hoá thúc đẩy kinh tế các địa phương.
"Cần phải tính toán để đảm bảo hạ tầng đồng bộ, tránh việc như một số tuyến cao tốc không có đường gom, không có đường dân sinh… Cần tính toàn kỹ để tránh phát sinh thêm đầu tư bổ sung hạ tầng", đại biểu đoàn Bắc Giang đề xuất.
VTV.vn - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trong tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!