Với tư cách là cựu trưởng bộ phận Giải pháp Hưu trí của JPMorgan Asset Management, Anne Lester đã chứng kiến nhiều con đường mọi người lựa chọn để đi tới quyết định nghỉ hưu. Bà cũng nhìn thấy cả những quyết định quan trọng lẫn sai lầm mà mọi người vấp phải ở mỗi giai đoạn trong hành trình đầu tư của họ.
Dưới đây là 6 sai lầm tài chính mà Anne Lester thường thấy ở những người độ tuổi 30 và lý do bạn nên tránh đi theo vết xe đổ này.
1. Không có quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp chính là chìa khoá để tránh nợ nần sau này, khi mà các mục tiêu nghỉ hưu được đặt lên hàng đầu.
Tốt nhất, số tiền này cần đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong 3-6 tháng, giúp bạn có thể giải quyết mọi trường hợp đột xuất như mất việc hoặc vấn đề chữa bệnh tốn kém.
Nếu khôn ngoan, bạn nên đặt quỹ khẩn cấp này trong tài khoản tiết kiệm, không phải khoản đầu tư. Khi cần, bạn có thể ngay lập tức dùng đến nó mà không phải lo lắng về sự suy thoái của thị trường ảnh hưởng đến số tiền bạn đang có như thế nào.
2. Không mua bảo hiểm
Nhiều người không thích mua bảo hiểm vì cho rằng họ phải trả tiền cho thứ bản thân sẽ không bao giờ dùng đến.
Nhưng hậu quả của việc không có bảo hiểm lớn đến mức có thể quét sạch số tiền mà bạn đang có. Chẳng hạn như khi phải cấp cứu hoặc bị tai nạn lao động có thể khiến bạn mất khoản tiền lớn.
Một số loại bảo hiểm không bắt buộc nhưng Anne Lester khuyên dùng bao gồm:
• Bảo hiểm nhân thọ có thời hạn để thay cho thu nhập của bạn dành cho vợ/chồng hoặc con cái trong trường hợp bạn qua đời.
• Bảo hiểm y tế để đảm bảo rằng một hoá đơn bệnh viện sẽ không khiến bạn phá sản.
• Bảo hiểm thương tật để đảm bảo bạn và gia đình có thể duy trì mức sống nếu bạn bị thương hoặc không thể làm việc.
• Bảo hiểm người thuê nhà để bạn có thể thay thế đồ đạc của mình trong trường hợp bị mất cắp hoặc hư hỏng do hoả hoạn, lũ lụt hoặc các thảm hoạ khác.
3. Thanh toán tối thiểu những khoản nợ có lãi cao
Nếu bạn có khoản vay sinh viên lãi suất cao, các khoản vay cá nhân hoặc nợ thẻ tín dụng, Anne Lester khuyên bạn nên trả khoản nợ đó càng nhiều càng tốt, trước khi bạn tiếp tục vay nợ sinh viên lãi suất thấp, vay mua xe hoặc thế chấp.
Khi bạn thanh toán những khoản nợ đó càng nhanh, bạn sẽ càng có nhiều tiền để hướng tới các mục tiêu tài chính khác đang dần trở nên quan trọng trong độ tuổi 30 của mình.
Ảnh minh hoạ
4. Mua quá nhiều nhà
Khi giá nhà tăng điên cuồng trong năm 2021, bạn sẽ rất dễ bị cám dỗ để rồi chấp nhận gồng gánh và giữ một khoản thế chấp lớn hơn dự tính. Nhưng bạn cần đảm bảo rằng số tiền mua nhà cũng phải bao gồm tiền để sửa chữa đột xuất, bảo trì và những thay đổi thu nhập trong tương lai khi bạn lập gia đình.
Sở hữu nhà là điều đáng mừng và có thể giúp bạn kiếm thêm tiền, nhưng điều đó không hoàn toàn được đảm bảo. Tuy nhiên, điều chắc chắn là bạn sẽ phải chi nhiều hơn cho ngôi nhà của mình chứ không chỉ là khoản thanh toán thế chấp.
5. Không tích cực tiết kiệm để nghỉ hưu
Khi ở độ tuổi 30, việc nghỉ hưu đối với bạn nghe có vẻ xa vời. Nhưng mỗi đồng tiền bạn tiết kiệm cho hưu trí từ bây giờ sẽ có thêm 10-20 năm để tích luỹ lãi kép, so với số tiền tiết kiệm ở thời điểm 40-50 tuổi. Hãy tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ tăng số tiền tiết kiệm mỗi khi được tăng lương.
6. Tiết kiệm cho con trước rồi tiết kiệm cho mình
Khi trở thành cha mẹ, bạn sẽ tự động muốn đặt nhu cầu của con mình lên hàng đầu. Nhưng theo Anne Lester, việc tiết kiệm cho con học đại học trước khi tiết kiệm cho việc nghỉ hưu của bản thân là một sai lầm lớn.
Học phí đại học có thể được chi trả bằng nhiều cách, chẳng hạn như học bổng, lựa chọn ngôi trường ít tốn kém hơn hoặc nhờ đến các khoản vay. Nhưng không có cách nào để chi trả cho việc nghỉ hưu ngoài việc tiết kiệm tiền.
Tham khảo CNBC