Trong buổi báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2021, dự báo năm 2022 của Công ty CP DKRA Việt Nam (một đơn vị nghiên cứu thị trường) vào sáng 6-1 tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng điều chỉnh pháp lý sẽ là điểm cộng cho bức tranh thị trường BĐS tích cực trong năm nay.
Pháp lý bất động sản là ẩn số, rủi ro
“Quan ngại rất lớn của các chủ đầu tư trong và ngoài nước là thủ tục pháp lý dự án luôn là ẩn số, không ai có thể trả lời thời gian chính xác là bao lâu để hoàn thành” - bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land, cho biết tại buổi báo cáo.
Theo bà Hương, doanh nghiệp bà có dự án gần 200 ha và thời gian triển khai thủ tục liên quan đến quy hoạch, pháp lý bồi thường… của dự án này kéo dài lên đến cả chục năm.
“Thời gian triển khai pháp lý dự án ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư cũng như giá thành sản phẩm đầu ra. Chúng ta chỉ cần giảm nửa thời gian so với hiện nay thì cũng đã thành công lớn, sự điều chỉnh đó sẽ giúp các chủ đầu tư mạnh dạn hơn trong thời gian tới” - bà Hương nói.
CEO Đại Phúc Land cũng cho rằng với việc Nhà nước đang quyết tâm cho việc điều chỉnh thủ tục pháp lý theo hình thức minh bạch, đơn giản hơn và rút ngắn thời gian sẽ giúp ẩn số, rủi ro liên quan đến pháp lý dự án ngày càng nhỏ lại. Điều này càng có cơ sở trong bối cảnh Chính phủ đề xuất sửa hàng loạt quy định về xây dựng nhà ở, khu đô thị trong kỳ họp Quốc hội bất thường đang được diễn ra.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tính minh bạch trong BĐS là quan trọng nhất, điều đó sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì khi họ đầu tư, câu đầu tiên luôn là yêu cầu thời gian rõ ràng việc hoàn thành thủ tục pháp lý.
“Việc đơn giản hóa thủ tục là điều kiện tiên quyết kéo “đại bàng” (nhà đầu tư lớn) về đầu tư. Quốc hội cũng đang bàn việc phân cấp cho các tỉnh nhiều hơn nhằm thúc đẩy đầu tư” - ông Thành phân tích.
Pháp lý dự án bất động sản luôn là điều lo lắng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG
Định vị lại thị trường
Nhiều đại biểu trong buổi báo cáo khẳng định bức tranh thị trường BĐS năm nay sẽ tươi sáng hơn nhờ các nỗ lực và quyết tâm phục hồi kinh tế của Chính phủ, thị trường cũng bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch.
Với thị trường căn hộ, DKRA cho biết ở TP.HCM, năm nay nguồn cung căn hộ mới tập trung chủ yếu ở TP Thủ Đức. “Năm nay, phân khúc căn hộ hạng A và B tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới mở bán. Thị trường tiếp tục không có nguồn cung căn hộ hạng C. Căn hộ hạng sang tăng mạnh và có thể xác lập mặt bằng giá mới” - ông Võ Hồng Thắng, Trưởng Phòng R&D DKRA Việt Nam, cho biết.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng mặt bằng giá sơ cấp phân khúc căn hộ tại TP.HCM có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Tính chung toàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, mặt bằng giá cũng tiếp tục xu hướng tăng so với năm 2021 do chi phí đầu vào tăng mạnh (giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng tăng...).
Về phân khúc đất nền năm nay ở thị trường TP và các tỉnh giáp ranh thì sức cầu thị trường có sự phục hồi so với năm ngoái. Tuy nhiên, xu hướng tăng chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối năm 2022. Đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn hàng đầu mặc dù thị trường trong thời gian gần đây có xu hướng giảm nhiệt.
Với phân khúc nhà phố, biệt thự, Đồng Nai được dự báo tiếp tục dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường với khoảng 7.000 căn sẽ được đưa ra thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp phân khúc này có thể tiếp tục tăng.
Nguồn cung mới condotel có thể sẽ tăng so với năm 2021, dao động khoảng 5.000 căn, các dự án tập trung ở thị trường Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam, đánh giá hiện các tiêu chuẩn về giá BĐS đã thay đổi, cách xác định giá các phân khúc cần xác định lại. Ví dụ như trước đây căn hộ hạng C giá 17 triệu đồng/m2 thì nay mức này đã tăng gấp đôi, trước đây 80 triệu đồng
/m2 thì được gọi là hạng sang nhưng nay thì phải 100 triệu đồng/m2.
Về góc độ nhà đầu tư, bà Hương cho rằng năm 2022 bức tranh thị trường BĐS sẽ tích cực hơn, thị trường đã bắt đầu phục hồi từ quý IV-2021. DKRA Việt Nam cũng khẳng định năm 2022 là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore…•
Năm 2021, thị trường căn hộ ở TP.HCM và các vùng phụ cận ghi nhận 41 dự án mở bán (khoảng 21.138 căn hộ). So với năm 2020, tổng nguồn cung mới bằng 70%; riêng tại TP.HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh so với năm 2020 trở về trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Loại hình căn hộ hạng sang tại TP.HCM đã xác lập mặt bằng giá mới lên đến gần 400 triệu đồng/m2. Phân khúc đất nền trong năm 2021 ghi nhận 46 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 6.220 sản phẩm. Nguồn cung mới nhà phố, biệt thự tăng nhẹ, trong năm 2021 thị trường đón nhận 9.823 căn mở bán đến từ 55 dự án, tăng 34% so với năm trước. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có tín hiệu phục hồi tích cực ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong khu phức hợp. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2021 đạt khoảng 4.115 căn.
|