Ngày 6-1, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ việc các lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu tới Kazakhstan và đặt ra câu hỏi rằng liệu lực lượng này đến Kazakhstan có hợp pháp hay không, kênh Channel News Asia đưa tin.
Trước đó, các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá xăng ở Kazakhstan ngày càng căng thẳng và đã bùng lên thành bạo động dữ dội. Sau khi nhận được yêu cầu từ Tổng thống Kazakhstan – ông Kassym-Jomart Tokayev về việc nhờ CSTO do Nga dẫn đầu đưa lực lượng vào giúp ổn định tình hình, Nga đã tung lính nhảy dù tới Kazakhstan để giữ gìn an ninh.
Trong một cuộc họp báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo rằng CSTO đã điều động các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan".
Binh sĩ Nga lên một chiếc máy bay quân sự đến Kazakhstan ngày 6-1. Ảnh: REUTERS
Bà bày tỏ thắc mắc: "Chúng tôi đặt ra câu hỏi về bản chất yêu cầu của tổng thống Kazakhstan và liệu đó có phải là một lời yêu cầu hợp pháp hay không.”
Theo bà Psaki, Washington sẽ theo dõi bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào và bất kỳ hành động nào có khả năng tạo tiền đề cho việc chiếm giữ các cơ sở của Kazakhstan.
Trước đó, cũng trong hôm 6-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng Kazakhstan - ông Mukhtar Tileuberdi về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra ở Kazakhstan.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với thể chế hiến pháp và tự do truyền thông của Kazakhstan và ủng hộ một giải pháp hòa bình, dựa trên pháp luật cho cuộc khủng hoảng.
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO gồm các nước thuộc Liên Xô cũ là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Tổng thư ký CSTO nói với hãng tin RIA rằng tổng cộng quân sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan là khoảng 2.500 người và có thể được tăng cường nếu cần thiết.