Sáng 6-1, tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình xuất khẩu qua đường bộ vẫn rất “căng” nên các địa phương, doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh xuất khẩu qua đường biển và tiêu thụ nội địa.
Chuyển sang đi đường biển, giá thùng container lên cao
Theo thống kê của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch và chưa có hướng cụ thể về đầu ra. Trong bối cảnh đó, ngày 5-1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo về việc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, DN tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu.
Hàng ngàn container thanh long đậu nối đuôi chờ thông quan rồi buộc phải quay đầu. Ảnh: CTV
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg. Để tiêu thụ số thanh long đang vào vụ thu hoạch, tỉnh định hướng cho DN chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc (TQ), đồng thời kết hợp xuất khẩu sang Ấn Độ.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit - đơn vị đang xuất khẩu trái cây sang TQ, Nhật Bản, châu Âu..., nhấn mạnh TQ không cấm DN xuất hàng sang thị trường này.
“Nếu DN xuất khẩu chính ngạch, hàng không bị dính virus SARS-CoV-2 thì vẫn đi được bình thường. Trước mắt cần khuyến cáo DN chuyển sang đi đường biển và làm sao trái thanh long, thùng đựng thanh long không bị dính COVID-19” - ông Huy nói.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được bằng đường biển thì cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container. Theo ông Huy, trước đây khi xuất khẩu bằng đường biển sang TQ, giá cước mỗi container chỉ khoảng 60-70 triệu đồng, còn khi xảy ra tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu đường bộ, các DN đổ về đường biển thì xảy ra tình trạng thiếu vỏ container rất trầm trọng, giá cước bị đẩy lên rất cao, đến 200 triệu đồng/container.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng cần làm việc với Hiệp hội Logistics Việt Nam, làm việc với các hãng tàu lớn để tháo gỡ tình trạng thiếu container rỗng.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước dịp tết
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình xuất khẩu qua đường bộ vẫn rất “căng”. Với giải pháp xuất khẩu bằng đường biển, Thứ trưởng Nam cho biết vài ngày tới, ông cùng thứ trưởng Bộ GTVT sẽ bay vào TP.HCM làm việc trực tiếp với Hiệp hội Logistics Việt Nam, cảng Cát Lái để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu bằng đường biển sang TQ.
“Chúng tôi sẽ kết nối giải quyết vấn đề này cho bằng được mới thôi, không được không về để giải quyết đầu ra cho thanh long” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu qua đường biển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các sở NN&PTNT tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh khuyến khích các DN chuyển mạnh sang chế biến hoặc xuất khẩu đi các thị trường.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các DN trong hiệp hội, người trồng thanh long ở Long An cũng đang tự cứu lấy chính mình bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. “Chúng tôi đang tích cực làm việc với các siêu thị, các kênh phân phối thanh long như chợ truyền thống, khu công nghiệp và đưa lên sàn thương mại điện tử. Hiện có hệ thống siêu thị Big C đã đặt hàng mỗi ngày 20 tấn thanh long” - ông Trịnh cho biết.
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Safari, thì đưa ra sáng kiến các giỏ quà trái cây thanh long mới lạ để thu hút người tiêu dùng. “Chúng tôi đang nghĩ ra mọi hình thức để bán được thanh long cho bà con với số lượng lớn. Mỗi giỏ thanh long này có giá thành khoảng 80.000 đồng/giỏ/6 kg, làm theo số lượng đặt hàng khoảng 500-1.000 giỏ, nếu làm nhiều có thể lên 4.000-5.000 giỏ” - ông Phương chia sẻ.
Ngoài các kênh tiêu thụ trên, các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khác như Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản... Theo ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, đại diện thương mại xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam, nông sản từ châu Á, trong đó có thanh long được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Ông Nguyễn cho biết mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị khoảng 260.000 đồng với quả 400 g.
Hay tại Ấn Độ, đất nước này cũng có nhu cầu rất lớn với thanh long. Mỗi năm, Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD.
Sẵn sàng mua xoài dội về từ cửa khẩu Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết hiện tại một ngày công ty thu mua 3-5 container xoài quay đầu từ các cửa khẩu do không xuất được sang TQ. Bên cạnh đó, công suất hoạt động của các nhà máy thuộc công ty vẫn còn có thể tiếp tục nhập xoài, chanh leo, dứa... để chế biến. Do đó, những đơn vị có mặt hàng này có thể liên hệ trực tiếp với công ty để được hỗ trợ tiêu thụ. “Đối với thanh long, Công ty Đồng Giao đang chào hàng thanh long với các đối tác. Trong thời gian tới, nếu đàm phán thuận lợi, công ty sẽ tăng năng lực thu mua và sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp” - ông Thành cho biết. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, cho biết bắt đầu từ ngày 7-1 đến tết Nguyên đán, MM Mega Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm của MM Mega Market trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận. |