Thảo luận trước Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng nay (7.1), nhiều đại biểu Quốc hội tại các địa phương nêu ý kiến đề xuất ưu tiên sử dụng gói cơ sở hạ tầng để xây dựng cao tốc qua các địa phương.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến cao tốc nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Vũng Tàu bằng hình thức đầu tư công, thay vì đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) như được phê duyệt chủ trương ban đầu.
Theo đại biểu Hùng, dự án đường cao tốc này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP năm 2021 với tổng mức khoảng gần 20.000 tỉ. Tuy nhiên, dịch bệnh gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thu hút tài chính.
Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy liên kết vùng, nối các trung tâm kinh tế lớn như Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Mặt khác, đường này sẽ giúp kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai, thúc đẩy kinh tế của nhiều tỉnh phía Nam.
"Nếu làm bằng đầu tư công thì 2021-2023 có thể hoàn thành toàn tuyến", ông Tâm Hùng nói.
Tương tự, các đại biểu đến từ Nam Định và Thái Bình cũng xin ưu tiên xây dựng cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình nối với Hải Phòng và Quảng Ninh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị trong gói cơ sở hạ tầng cần ưu tiên những tuyến cao tốc mang tính quan trọng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Bà Dung cho rằng cao tốc qua tỉnh Thái Bình sẽ giúp tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng đề xuất đẩy nhanh tuyến đường này để giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng cho các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng. Dự án này dài 79 km, nằm trong quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam, được phê duyệt năm 2016.
Đại biểu Dũng cho biết, hiện khu vực Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ có các tuyến theo hướng đông - tây nhưng chưa có tuyến tây bắc - đông nam, chưa có tuyến ven biển nào. Cao tốc sẽ giúp đẩy nhanh liên kết vùng, khai thác kinh tế biển, hỗ trợ tuần tra an ninh, quốc phòng.
"Qua các tỉnh này chỉ có Quốc lộ 10 hiện đã quá tải. Chúng tôi thấy đầu tư tuyến này là rất quan trọng, cần thiết", ông Dũng nói.
Cũng liên quan đến cao tốc, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị Chính phủ ưu tiên dùng tiền để làm cao tốc cho các vùng núi phía Bắc như Bắc Kạn - Cao Bằng, Sơn La - Điện Biên...
Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội dự kiện sẽ có giá trị khoảng 350.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến chi khoảng 114.000 tỉ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng.