Biểu tình ở Kazakhstan đã bùng lên thành cuộc bạo loạn nguy hiểm khiến chính quyền nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và kêu gọi sự giúp đỡ của liên minh do Nga dẫn đầu. Sau đây là một số diễn biến đáng chú ý về tình hình bạo loạn ở Kazakhstan.
Nguyên nhân biểu tình bùng nổ ở Kazakhstan
Theo đài CNN, do đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung dầu sau khi thay đổi một số chính sách, chính phủ Kazakhstan đã nâng mức trần giá dầu lên để giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ đã thất bại khi giá dầu tăng khiến khí dầu mỏ hoá lỏng - nhiên liệu được phần lớn người dân nước này dùng cho các phương tiện giao thông, tăng gấp đôi. Điều này đã thổi bùng lên những cuộc biểu tình phản đối chính sách mới của chính phủ ở khu vực phía tây Kazakhstan và sau đó lan rộng ra cả nước.
Cảnh sát chống biểu tình tại thành phố Almaty. Ảnh AP
Ngoài ra, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, biểu tình ở Kazakhstan nổ ra cũng do nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể là sự bất bình của người dân về nạn tham nhũng, khó khăn kinh tế ngày càng trầm trọng do COVID-19 và sự bất bình đẳng trong thu nhập.
Biểu tình trở thành bạo loạn nguy hiểm
Biểu tình bắt đầu từ khu vực Mangystau và sau đó lan ra nhiều khu vực trên khắp Kazakhstan. Tuy nhiên, biểu tình đã nhanh chóng trở thành những cuộc bạo loạn, đặc biệt là ở thành phố lớn nhất đất nước - Almaty.
Người dân đã xông vào và đốt phá những trụ sở cơ quan nhà nước. Những cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã diễn ra.
Văn phòng thị trưởng ở thành phố Almaty bị đốt. Ảnh: TASS
Theo đài ABC, hôm 6-1, chính quyền Kazakhstan cho biết có 353 cảnh sát bị thương và 12 sĩ quan đã chết trong vụ đụng độ, trong đó một cảnh sát bị người biểu tình chặt đầu. Lực lượng an ninh nước này cũng đã giết hàng chục người biểu tình để trấn áp bạo loạn và đã bắt hơn 2.000 người.
Phản ứng của chính quyền Kazakhstan
Trong bối cảnh biểu tình sôi sục, các thành viên nội các chính phủ Kazakhstan do Thủ tướng Askar Mamin dẫn đầu đã xin từ chức. Sau đó, Tổng thống Kazakhstan - ông Kassym-Jomart Tokayev đã chấp thuận các đơn này và chỉ định nội các lâm thời để nhanh chóng ổn định tình hình.
Tổng thống Tokayev khẳng định sẽ dùng những biện pháp mạnh để trấn áp bạo loạn và gọi những người biểu tình ở sân bay là khủng bố và cáo buộc những phần tử ra bạo loạn là phản động và đã được huấn luyện quân sự ở nước ngoài.
Người biểu tình chặn xe cấp cứu hôm 5-1. Ảnh: AFP
Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cấm bán các mặt hàng vũ khí, rượu cho đến ngày 19-1. Internet bị cắt và lực lượng quân đội quốc gia đã được triển khai để giữ gìn an ninh trật tự.
Trong nỗ lực xoa dịu bạo động, ông Tokayev đã ra lệnh giảm giá khí dầu hoá lỏng, với mức giảm 50 Tenge (khoảng 2.6 ngàn đồng) mỗi lít, theo CNN.
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết một số biện pháp ổn định tình hình kinh tế xã hội đã được đưa ra. Cụ thể là chính phủ sẽ điều chỉnh giá nhiên liệu trong vòng 180 ngày, tạm hoãn tăng thuế cho người dân và trợ cấp thuê nhà cho một số nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, động thái từ chính phủ không đủ giảm sức nóng của các cuộc biểu tình.
Tối ngày 5-1, trước tình hình bạo động căng thẳng, Tổng thống Tokayev đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đưa quân đội vào vào giúp ổn định tình hình.
Hành động khẩn trương của CSTO
Ngày 6-1, Ban thư ký CSTO đã phát thông cáo rằng khối này đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan và quân sĩ Nga đã đến nước này. Các đơn vị đầu tiên của lực lượng đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ, đài RT đưa tin.
Quân Nga lên đường đến Kazakhstan. Ảnh: REUTERS
Chủ tịch CSTO – ông Nikol Pashinyan tiết lộ với hãng tin RIA rằng tổng cộng binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tới Kazakhstan là khoảng 2.500 người và có thể được tăng cường nếu cần thiết.
Ông cũng cho biết thêm lực lượng liên quân này sẽ được triển khai trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi tình hình Kazakhstan ổn định.
CSTO là tổ chức gồm các nước thuộc Liên Xô cũ là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Phản ứng của Mỹ, Liên Hợp Quốc
Ngày 6-1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ đồn đoán của một số người Nga rằng Mỹ đứng đằng sau cuộc biểu tình bạo lực ở Kazakhstan, kênh Channel News Asia đưa tin.
Bà cũng bày tỏ băn khoăn liệu hành động dẫn liên quân sang Kazakhstan của Nga có hợp pháp hay không. Ngoài ra, bà Psaki cũng cho biết Mỹ đang theo dõi tình hình bất ổn ở Kazakhstan và bất kỳ hành động nào có khả năng chiếm giữ các trụ sở cơ quan của Kazakhstan.
Cũng trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Kazakhstan - ông Mukhtar Tileuberdi về tình trạng khẩn cấp ở Kazakhstan.
Ông Blinken nói rằng Mỹ đối với các thể chế hiến pháp và tự do truyền thông của Kazakhstan và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình hình bất ổn hiện tại.
Về phía Liên Hợp Quốc (LHQ) , phát ngôn viên Stephane Dujarric nói rằng LHQ bày tỏ quan ngại trước những diễn biến ở Kazakhstan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và tiến hành đối thoại, theo hãng tin AFP.