Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Tổng giám đốc Việt Á khai chi gần 800 tỉ đồng hoa hồng cho đối tác. Trao đổi với Thanh Niên chiều 7.1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03 - Bộ Công an) đã làm rõ thêm nhiều tình tiết mới trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 4.2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung cấp sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh viện, CDC 62/63 tỉnh, thành phố với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng.
Để bán được nhiều sản phẩm, bị can Phan Quốc Việt và lãnh đạo Công ty Việt Á có chủ trương câu kết với lãnh đạo CDC hoặc các cơ sở y tế nhằm “thông thầu”, nâng giá sản phẩm cao hơn so với thực tế. Đổi lại, Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho bên mua, có nơi lên tới 20%. Theo trung tướng Tô Ân Xô, lời khai ban đầu của bị can Phan Quốc Việt cho biết, Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm cao hơn nhiều so với thực tế và đã chi số tiền “hoa hồng” cho các đối tác gần 800 tỉ đồng.
Chi nhánh công ty Việt Á tại Bình Dương Đ.t |
Bộ Công an làm việc với CDC Bình Phước: 6 cán bộ vẫn "sáng đi, chiều về". Ngày 7.1, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết các điều tra viên Bộ Công an vẫn đang làm việc với 6 cán bộ thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước, liên quan đến việc mua kit test của Công ty Việt Á. Hiện 6 cán bộ gồm bác sĩ Nguyễn Văn Sáu (giám đốc) cùng 5 cán bộ thuộc cấp gồm kế toán trưởng, 3 cán bộ khoa dược và 1 cán bộ khoa xét nghiệm vẫn đang tiếp tục làm việc với lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an liên quan đến việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và việc ông Nguyễn Văn Sáu thừa nhận có nhận “quà” từ Công ty Việt Á.
“Hiện những cán bộ này vẫn sáng đi, chiều về. Đối với CDC Bình Phước vẫn hoạt động bình thường. Công an vẫn đang làm việc, khi nào có kết luận chính thức chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí”, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước cho biết. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Phước xác nhận với PV Thanh Niên, ngoài CDC Bình Phước, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cũng có mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế từ Công ty Việt Á.
|
Ngày 7.1: Cả nước 16.278 ca Covid-19, 14.633 ca khỏi | Hà Nội 2.723 ca | TP.HCM 489 ca |
TP.HCM ra hướng dẫn mới nhất cho F0 cách ly tại nhà. Ngày 7.1, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa ban hành cập nhật hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà (phiên bản 7.1), trong đó thuốc dành cho F0 cách ly tại nhà và quy định sau 10 ngày âm tính được dỡ bỏ cách ly là vấn đề mới. Theo đó, F0 chuẩn bị thuốc điều trị Covid-19 được cấp phát (gói A, B, C tùy tình trạng bệnh). Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà chuẩn bị thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản) để sử dụng trong 1 tháng.
F0 cách ly tại nhà được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Lâm Đồng tăng thêm 250 giường điều trị Covid-19. Ngày 7.1, lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh vừa có quyết định điều chỉnh số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại KTX sinh viên (đường Nguyễn Hoàng, P.7, TP.Đà Lạt) tăng thêm 250 giường, nâng tổng số lên 520 giường bệnh tại đây.
Sáng 7.1, tỉnh này ghi nhận 245 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 từ đầu dịch đến nay lên 11.770 ca, trong đó có 33 ca tử vong, đã điều trị khỏi xuất viện 7.122, đang điều trị 4.599 ca. Riêng TP.Đà Lạt ghi nhận thêm 71 ca Covid-19, trong đó có 52 ca F0 điều trị tại nhà. F0 nhẹ và không triệu chứng nhưng không đủ điều kiện điều trị tại nhà theo quy định, được cách ly theo dõi, điều trị tại KTX sinh viên và Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng.
Hà Nội thêm Q.Cầu Giấy chuyển cấp độ nguy cơ cao, hàng quán chỉ bán mang về. Lãnh đạo UBND Q.Cầu Giấy cho biết, chiếu theo các tiêu chuẩn tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, quận có 7/8 phường ở cấp độ 3 - nguy cơ cao (màu cam) về dịch Covid-19. Như vậy, sau các quận trung tâm khác của TP.Hà Nội, Q.Cầu Giấy đã chính thức chuyển từ cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng) sang cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam).
Lãnh đạo Q.Cầu Giấy cho biết, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128, quận sẽ điều chỉnh các hoạt động không thiết yếu trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, quận sẽ yêu cầu các hàng quán ăn uống chuyển sang chỉ được bán mang về, dừng các hoạt động tập trung đông người...
|
Cả nước đã tiêm trên 157,7 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Bạc Liêu giảm cấp độ dịch Covid-19, nhiều dịch vụ hoạt động bình thường. Ngày 7.1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định giảm cấp độ dịch của tỉnh từ cấp độ 3 (cấp nguy cao - vùng cam) xuống còn cấp độ 2 (cấp nguy cơ trung bình - vùng vàng). Theo đó, việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm ở nơi công cộng. Vận tải hành khách công cộng được hoạt động bình thường. Riêng đối với hoạt động liên tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Vận tải hàng hóa; các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống cho hoạt động bình thường.
Nhà hàng (kể cả nhà hàng trong các khách sạn); các quán ăn, uống được hoạt động nhưng mỗi bàn không quá 4 người; đồng thời không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm. Các dịch vụ làm tóc, cắt tóc, làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện được hoạt động tối đa 50% công suất. Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động bình thường.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Cà Mau điều chỉnh tần suất xét nghiệm tại nhiều địa bàn. Sở Y tế Cà Mau vừa có công văn yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp thực hiện việc điều chỉnh tần suất xét nghiệm tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị. Theo đó, ngày 31.12.2021, Sở Y tế ban hành kế hoạch về việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, có nội dung yêu cầu xét nghiệm sàng lọc định kỳ 7 ngày/lần cho người lao động tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Sở Y tế Cà Mau khuyến khích các đơn vị tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc Covid-19 lên 7 ngày/2 lần cho người lao động; đồng thời tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.